Palestine đạt bước tiến mới trên đường trở thành thành viên chính thức LHQ

(VOV5) - Nghị quyết tuyên bố Nhà nước Palestine đủ tư cách trở thành thành viên chính thức của LHQ, đồng thời khuyến nghị HĐBA xem xét ủng hộ tiến trình này.

Đại hội đồng Liên hiệp quốc (ĐHĐ LHQ), hôm 11/05, bỏ phiếu thông qua Nghị quyết kêu gọi Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ xem xét ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của LHQ. Trong bối cảnh xung đột tại Gaza ngày càng phức tạp, đa số giới quan sát cho rằng việc công nhận Palestine là thành viên đầy đủ LHQ và thực hiện giải pháp 2 nhà nước là lối thoát lâu dài duy nhất cho hòa bình ở Trung Đông.

Tại cuộc họp khẩn cấp đặc biệt bàn về tình hình Gaza và tư cách thành viên của Palestine, ĐHĐ LHQ đã thảo luận và bỏ phiếu thông qua nghị quyết, do UAE đệ trình, với tỷ lệ 143 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 25 phiếu trắng. Nghị quyết tuyên bố Nhà nước Palestine đủ tư cách trở thành thành viên chính thức của LHQ, đồng thời khuyến nghị HĐBA xem xét ủng hộ tiến trình này.

Sự ủng hộ gia tăng

Nghị quyết của ĐHĐ LHQ không có tính chất ràng buộc pháp lý nhưng là một chiến thắng mang ý nghĩa biểu tượng lớn cho Palestine, khẳng định xu hướng ủng hộ Palestine ngày càng gia tăng trên thế giới. Trước mắt, Palestine sẽ được hưởng nhiều quyền hạn hơn kể từ khóa họp toàn thể (UNGA) vào tháng 9 tới của ĐHĐ LHQ, như: có quyền đưa ra tuyên bố thay mặt một nhóm; đệ trình các đề xuất và sửa đổi hay đề xuất các nội dung trong chương trình nghị sự tạm thời tại các phiên họp thường kỳ hoặc bất thường… Tuy nhiên, do chưa là thành viên đầy đủ, Palestine vẫn sẽ không có quyền ứng cử và bầu cử tại các cơ quan của LHQ, như: HĐBA hay Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC).

Việc Palestine nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều quốc gia tại ĐHĐ LHQ không phải điều bất ngờ. Các quốc gia thuộc khối Arab và rất nhiều nước đang phát triển trong nhóm nước phương Nam từ lâu đã luôn ủng hộ việc Palestine thành lập nhà nước và trở thành thành viên đầy đủ của LHQ. Cuộc chiến tại Gaza, với hơn 35.000 người dân Palestien thiệt mạng tính đến đầu tháng 5, càng thúc đẩy sự ủng hộ đó. Đáng chú ý, mức độ tàn khốc của chiến dịch quân sự mà Israel đang tiến hành tại dải Gaza cũng đang tạo ra làn sóng cảm thông và ủng hộ Palestine mạnh mẽ trong dư luận các nước phương Tây là đồng minh của Israel. Đây là 1 trong những yếu tố khiến chính phủ nhiều nước phương Tây đứng trước sức ép phải thể hiện rõ ràng hơn sự ủng hộ Palestine tại LHQ.

Đại sứ Pháp tại LHQ, Nicolas de Riviere, cho biết: “Nước Pháp bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết do UAE đệ trình để trao thêm quyền cho thành viên quan sát là Palestine trong khuôn khổ LHQ. Pháp ủng hộ Palestine trở thành viên có quyền đầy đủ tại LHQ và đó là lí do chúng tôi cũng đã bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết về tư cách thành viên của Palestine, do Algeria đề xuất tại HĐBA LHQ tuần trước”.

Chung quan điểm đó, Ngoại trưởng Australia, Penny Wong cho rằng việc Australia ủng hộ Nghị quyết của ĐHĐ LHQ liên quan đến tư cách thành viên của Palestine là vì muốn thúc đẩy các nỗ lực hòa bình, trong bối cảnh tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine đã bế tắc trong suốt nhiều thập kỷ: “Hiện tại chúng ta đều biết 1 cuộc bỏ phiếu sẽ không thể giúp chấm dứt cuộc xung đột này, bởi xung đột này đã trải dài trong suốt cuộc đời của nhiều người. Nhưng tất cả chúng ta đều phải làm những gì có thể để tạo nên động năng hướng đến hòa bình”.

Trở ngại lâu dài

Dù đạt bước tiến lớn trong việc trở thành thành viên đầy đủ của LHQ nhưng các trở ngại mà Palestine phải đối mặt trong thời gian tới vẫn rất phức tạp. Trong số 9 quốc gia bỏ phiếu phản đối có Mỹ, đồng minh lớn nhất của Israel đồng thời cũng là 1 trong 5 Ủy viên thường trực có quyền phủ quyết tại HĐBA. Theo Hiến chương của LHQ, việc kết nạp thành viên mới cần nhận được sự ủng hộ của 9/15 thành viên HĐBA và không có ủy viên thường trực nào phủ quyết. Tiếp theo, quốc gia ứng cử viên cần nhận được sự ủng hộ của 2/3 số thành viên ĐHĐ LHQ. Do đó, cuộc bỏ phiếu hôm 11/05 chỉ giúp Palestine đạt được 1 điều kiện là có sự ủng hộ của 2/3 số thành viên ĐHĐ LHQ, trong khi chưa vượt qua được trở ngại lớn nhất là sự phủ quyết của Mỹ. Trước đó, hôm 18/04, tại cuộc bỏ phiếu tại HĐBA về việc kết nạp Palestine làm thành viên chính thức LHQ, Mỹ cũng đã bỏ phiếu phủ quyết.

Giải thích cho các quyết định này, Đại sứ Mỹ tại LHQ, ông Robert Wood cho biết Mỹ ủng hộ giải pháp 2 nhà nước nhưng cho rằng việc thành lập nhà nước Palestine chỉ có thể là kết quả từ các đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine: “Tổng thống Joe Biden luôn nói rất rõ rằng hòa bình bền vững tại khu vực chỉ có thể đạt được thông qua giải pháp 2 nhà nước, nơi an ninh của Israel được đảm bảo và người dân Israel và Palestine sống cạnh nhau với các biện pháp công bằng về tự do và phẩm giá. Do đó, quan điểm của Mỹ là các biện pháp đơn phương tại LHQ và trên thực địa sẽ không giúp thúc đẩy mục tiêu này”.

Về lâu dài, giới quan sát cho rằng Palestine sẽ không thể sớm vượt qua được trở ngại từ lá phiếu phủ quyết của Mỹ, ít nhất cho đến khi xung đột tại Gaza chấm dứt. Tuy nhiên, những động thái gần đây cũng cho thấy Palestine đang giành được sự ủng hộ lớn hơn từ nhiều nước phương Tây vốn trước đây luôn lưỡng lự trong việc thúc đẩy giải pháp Palestine thành lập nhà nước và có đầy đủ quyền hạn tại LHQ. Hiện tại, Tây Ban Nha và Cộng hòa Ireland đang nỗ lực kêu gọi các quốc gia khác đơn phương công nhận nhà nước Palestine, sớm nhất là 21/05 tới, bất chấp sự phản đối từ Israel.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác