(VOV5) - Suốt thời lượng 45 phút bộ phim là những hồi ức về chiến tranh, những cảm xúc bình yên khi đặt chân đến Việt Nam.
Những ký ức khốc liệt của chiến tranh, những cuộc gặp cảm động của những con người vốn từng ở hai bên chiến tuyến, lời tự sự của nhóm những cựu binh Mỹ trong chuyến trở lại Việt Nam, được thể hiện trong bộ phim tài liệu “Nơi bình yên người lính”. Bộ phim do nhóm cựu binh Mỹ thực hiện năm 2012 với mục đích chuyển tải một thông điệp: Hận thù khép lại, hòa giải mở ra để chiến trường xưa có thể thành vườn, thành hoa viên cho những người lính còn sống sót của cả hai bên gặp gỡ, nghĩ suy về những bài học trong quá khứ và cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Suốt thời lượng 45 phút bộ phim là những hồi ức về chiến tranh, những cảm xúc bình yên khi đặt chân đến Việt Nam, là sự thân thiện, bao dung mà con người Việt Nam, những cựu binh Việt Nam dành cho những người từng ở phía bên kia chiến tuyến.
Dave Hansen, nhân vật chính đồng thời là người khởi xướng thực hiện bộ phim, từng tham chiến ở chiến trường Khe Sanh năm 1968-1971 với vai trò là một lính trực thăng cứu thương. Cũng như nhiều cựu chiến binh Mỹ khác, sau chiến tranh, Dave Hansen mắc “hội chứng khủng khoảng tâm lý”. Vì thế không bao ông giờ muốn nhắc tới cuộc chiến, không muốn đối diện với quá khứ và tất nhiên chưa bao giờ có ý nghĩ rằng sẽ có ngày quay trở lại nơi đã từng khiến ông có nỗi ám ảnh kinh hoàng. Nhưng rồi mọi suy nghĩ bắt đầu thay đổi: Tôi được mời đến dự một buổi họp mặt của Hội phi công trực thăng từng tham chiến tại Việt Nam ở LasVegas và tôi quyết định đến đó tham dự, Tôi hình dung nơi đó khá gần nhà tôi và nếu cảm thấy không thích tôi có thể ra về. Khi tôi lái xe đi, tôi đã nghĩ về những người tôi sắp gặp và những gì tôi sắp đối diện ở đó. Và lúc đó đột nhiên tôi thấy mình khóc nức nở, tôi khóc vì không kiềm chế được cảm xúc của mình bởi tất cả nỗi buồn, sự mất mát của cuộc chiến chợt ùa về. Với tôi, cuộc gặp đó đã bắt buộc tôi đối diện với quá khứ, vượt qua chúng, để chúng không còn tồn tại trong tiềm thức.
Sau cuộc gặp gỡ tưởng chừng rất vô tình đó, được gặp gỡ trò chuyện với nhiều cựu binh khác, Dave Hansen nung nấu ý định quay trở lại Việt Nam. Ông quyết định mời một số những cựu binh gồm cả cựu binh trẻ cùng hơn đến Việt Nam: Tôi chỉ hy vọng rằng khi mọi người thực hiện chuyến đi này, đối mặt với thực tế, đối mặt với những con người mà chúng ta đã từng cố tiêu diệt nhau sẽ giúp quá trình hòa giải diễn ra nhanh hơn.
Tháng 3/2012, dưới sự tài trợ của Tổ chức Peace Trees Việt Nam, Dave Hansen cùng một số người bạn lên đường tới Việt Nam và bắt tay thực hiện bộ phim tài liệu “Nơi bình yên người lính”.
Cứ điểm Khe Sanh, một cụm cứ điểm kiên cố được Mỹ xây dựng trong chiến tranh, nơi đặt trung tâm chỉ huy của hàng rào điện tử Mc Namara, nhằm phục vụ cho mục tiêu cắt đứt tuyến đường chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Trong thời gian diễn ra chiến dịch Đường 9 Nam Lào, Mỹ đã sử dụng hơn 2.000 máy bay cùng 3.300 trực thăng để ném vào khu vực này hơn 114.000 tấn bom.
Tháng 5/1971, Roger Hill nhận lệnh điều động sang chiến trường Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ trạm chuyển tiếp vô tuyến ở gần khu phi quân sự Khe Sanh. Hơn 40 năm qua, Roger Hill không thể nào quên cảm giác sợ hãi của ngày hôm đó khi trực thăng của ông bị tập kích và trúng đạn: đó tôi nghĩ rằng mình sắp chết. Điều tiếp theo tôi nhận thức được là chiếc trực thăng đang di chuyển song song với sườn núi và tôi đang đi xuống. Cảm giác như chúng tôi đang lái một chiếc xe tải không mui ra khỏi vách đá. Tôi không thể diễn tả hết cảm giác lúc đó.
Roger Hill may mắn thoát chết và chỉ bị thương. Nhưng người bạn của ông, Eddie đã mãi mãi nằm lại nơi này. Mãi nhiều năm sau cuộc chiến, Roger vẫn bị ám ảnh bởi khoảnh khắc chứng kiến người bạn ra đi. Trở lại Việt Nam lần đầu tiên năm 2012, đứng bên bức tường nơi ghi tên những người lính Mỹ đã hy sinh trong thư viện Khe Đá, thuộc trường mầm non Khe Đá, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, do Tổ chức Cây hòa bình, một tổ chức phi chính phủ Mỹ tài trợ xây dựng, Roger cùng các đồng đội khác của mình không giấu được cảm xúc nghẹn ngào
|
Chứng tích chiến tranh tại Khe Sanh, miền tây Quảng Trị Ảnh: Quang Chung |
Cảm xúc khi thăm lại cảnh xưa, trong chuyến thăm, họ cũng gặp lại những “Việt Cộng-cựu chiến binh của “Quân Giải Phóng Miền Nam” tham dự trận Khe Sanh ngày ấy, những người đã chiến đấu rất dũng cảm chống lại một đội quân được vũ trang mạnh hơn họ gấp nhiều lần. Chia sẻ cảm xúc khi gặp lại những cựu binh Mỹ, ông Lê Hồng Hạnh, cựu chiến binh huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, cho biết: Sau bao nhiêu năm chiến tranh, gặp lại họ tôi cảm nhận họ là những con người hiền lành, lương thiện. Một số người mang nặng nỗi ám ảnh chiến tranh và giờ họ luôn mong muốn gắn kết tình hữu nghị bằng các hoạt động nhân đạo, nhằm xoa dịu nỗi đau cuộc chiến
Quá khứ giờ đây được nhắc đến và cũng được khép lại như là những kỉ niệm. Để có được ngày hôm nay, ai cũng bồi hồi cảm xúc và cảm nhận được cái giá phải trả của chiến tranh. Tôi nghĩ họ mới chỉ bắt đầu nhận ra rằng họ không còn phải sợ hãi nơi này nữa. Rất ấn tượng và quả thực rất ấn tượng, không thể nói hết được. Họ đã đi một quãng đường dài trong 40 năm, một quãng đường quá dài.
Trồng cây xanh, vận động kinh phí để hỗ trợ công tác rà phá bom mìn, hỗ trợ người dân địa phương cải thiện cuộc sống, những cựu binh này bảo rằng họ đang bắt đầu một sứ mệnh mới. Đó là sứ mệnh hòa bình, hòa giải, xây nhịp cầu hữu nghị bởi với họ, Việt Nam đã là một phần ký ức:Tôi nghĩ mỗi cái cây được trồng ở đây tôn vinh một người lính đã ngã xuống, không cần biết họ ở phía nào của cuộc chiến. Hãy bắt đầu lại từ đầu, trở thành bạn bè và hãy để quá khứ lùi sâu vào dĩ vãng.
Tháng 3/2014, bộ phim Nơi bình yên người lính đã được công chiếu tại Khe Sanh, Quảng Trị, trong một hoạt động đầu tiên nhằm gây quỹ ủng hộ cho dự án thành lập một khu vườn mang tên Vườn hòa giải ở Khe Sanh. Bộ phim dự kiến cũng được trình chiếu tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/5 tới và ở Trung Đông nhằm chuyển đi một thông điệp: Chiến tranh là vô nghĩa và hãy để cho thế hệ sau được sống trong một thế giới hòa bình.