(VOV5)- Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng pháo cao xạ chúng tôi còn non trẻ, ít ỏi, lần đầu ra quân nên được Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm. Đồng chí Nguyễn Quang Bích, nguyên Trung đoàn phó, Chỉ huy Đoàn pháo cao xạ 367 trong chiến dịch Điện Biên, thường kể cho chúng tôi nghe về sự quan tâm của Đại tướng đối với pháo cao xạ Điện Biên.
Một lần nhân họp mặt bạn chiến đấu Đoàn pháo cao xạ 367, đồng chí kể cho chúng tôi nghe về ngày 21/12/1953, ông được triệu tập về gấp cơ quan Bộ Tổng tư lệnh để nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ. Hôm đó, sau khi nghe báo cáo tình hình đơn vị, Đại tướng chỉ thị: “Bộ chính trị đã thông qua quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm ĐBP. Bộ Tổng tư lệnh quyết định giao trung đoàn 45 lựu pháo 105 ly và trung đoàn 367 pháo cao xạ 37 ly tham gia chiến dịch này. Lần đầu ra quân, các đ/c sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong hành quân cơ giới. Bộ Tổng tham mưu đã cử đoàn cán bộ đi trước trinh sát đường sá, giải quyết những khó khăn về giao thông. Nhưng bản thân các đ/c phải cố gắng tìm cách vượt qua. Yêu cầu cao nhất là phải bảo đảm an toàn, tuyệt đối giữ bí mật. Nếu các đ/c đưa được xe, pháo tới đích an toàn, bí mật, coi như ta đã đạt 60% thắng lợi…”.
Chúng tôi phải tiếp tục hành quân trên những con đường rất khó đi. Xe pháo đều phải chạy đêm, không được bật đèn pha. Đã thế phải qua hai con sông lớn, nhiều đèo cao, suối sâu,máy bay địch thường xuyên ném bom phá đường… Nhưng được sự quan tâm theoi dõi, động viên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau 17 ngày đêm gian nan vất vả, sáng sớm ngày 8/1/1954, hai tiểu đoàn đầu tiên gồm 24 khẩu pháo cao xạ 37 ly của Đoàn 367 đã đến ngã ba Tuần Giáo, bảo đảm an toàn, bí mật. Chúng tôi lại được Đại tướng điện khen với lời biểu dương “Đơn vị hành quân cơ giới giỏi”.
Ngày 14/1/1954, đồng chí Nguyễn Quang Bích được triệu tập đến Sở chỉ huy lâm thời của chiến dịch tại hang Thẩm Púa, để nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp phổ biến mục đích, ý nghĩa của chiến dịch: “Bộ chỉ huy mặt trận quyết định dùng hai mũi tiến công thọc sâu vào trung tâm tập đoàn cứ điểm, từ đó chia cắt địch ra từng mảng để tiêu diệt trong một thời gian ngắn theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Thời gian nổ súng là 17h ngày 25/1/1954 và sẽ kết thúc thắng lợi trong hai đêm, ba ngày. Đại bộ phận lựu pháo và pháo cao xạ sẽ bố trí ở hướng Bắc. Vì vậy, phải mở ngay 1 con đường bí mật vắt qua núi để kéo pháo bằng tay đến các vị trí đặt trận địa ở phía Bắc đồi Độc Lập…”. Đại tướng giải thích thêm: “Chúng ta chủ trương mở đường kéo pháo bằng tay vào trận địa, chính là để giữ bí mật, giành lấy yếu tố bất ngờ…”.
|
Pháo cao xạ 37 ly của quân ta lần đầu tiên xuất trận trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm cho quân Pháp hết sức bất ngờ, bối rối và bị thiệt hại đáng kể (Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) |
Trước lúc kết thúc hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Bích thay mặt Đoàn pháo cao xạ 367 phát biểu quyết tâm: “Bộ đội pháo cao xạ xin hứa quyết tâm khắc phục mọi khó khăn gian khổ, kiên quyết bắn rơi máy bay địch!”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cười, hỏi lại:
- Đồng chí phải hứa cụ thể bắn rơi bao nhiêu chiếc chứ?
- Báo cáo Đại tướng, chúng tôi quyết tâm bắn rơi nhiều chiếc ạ.
Đại tướng gợi ý:
- Có bảo đảm mỗi đại đội bắn rơi một chiếc không?
Được Đại tướng gợi ý, đồng chí Nguyễn Quang Bích rất phấn khởi, vội đáp:
- Báo cáo nhất định được! Mỗi đại đội sẽ bắn rơi một chiếc hoặc hơn một chiếc ạ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng lên tươi cười, bắt tay thật chặt đồng chí Nguyễn Quang Bích trong tiếng vỗ tay ran cả vách đá…
Chưa đầy 1 ngày 1 đêm, gần 5000 cán bộ, chiến sĩ ta đã mở xong con đường dài 15km vượt qua ngọn núi cao 1.150m rồi đổ xuống vực sâu thẳm để tới nơi bố trí trận địa. Đêm 15/1/1954, cuộc kéo pháo bẳng tay bắt đầu. Nhưng qua 10 ngày kéo pháo vào đầy khó khăn gian khổ, khi vừa đến nơi đặt trận địa, chúng tôi lại được lệnh cấp tốc kéo pháo ra để chuẩn bị thêm vì ta thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Kéo pháo vào đã vất vả, gian khổ, nhưng kéo pháo ra còn ác liệt hy sinh vì địch phát hiện ra hoạt động của ta, chúng liên tiếp bắn đạn pháo vào chặng đường kéo pháo. Tiểu đoàn Pháo cao xạ 394 có đ/c Tô Vĩnh Diện đã anh dũng hy sinh cứu được khẩu pháo lao xuống dốc, trong khi đạn pháo địch bắn đứt dây tời. Sau đó đ/c Tô Vĩnh Diện đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng quân đội.
Sau 20 ngày đêm kéo pháo vào rồi kéo pháo ra, chúng tôi đến được vị trí giấu pháo trong khu rừng cách Điện Biên Phủ 18km. Ngày 6/2/1954, đúng ngày 4 Tết, chúng tôi rất vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm. Đại tướng thay mặt TƯ Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và Bộ chỉ huy mặt trận chúc Tết toàn thể cán bộ, chiến sĩ. Đại tướng nhắc lại lời dạy của Bác Hồ khi ta quyết định mở chiến dịch là: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Đại tướng giải thích sở dĩ ta phải rút ra là để tiếp tục chuẩn bị trận này cho chắc thắng. Đại tướng biểu dương các đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kéo pháo vào, kéo pháo ra và nêu gương các liệt sỹ, các chiến sĩ đã hy sinh, dũng cảm cứu pháo, bảo vệ được nguyên vẹn các khẩu pháo, tài sản quý giá của quân đội, của nhân dân… Đại tướng nhắc chúng tôi phải dũng cảm vượt qua mọi khó khăn gian khổ, phải tiêu diệt nhiều sinh lực địch ngay từ trận đầu, khiến cho quân địch phải khiếp sợ trọng pháo và pháo cao xạ Việt Nam ta. Muốn vậy phải tiếp tục giữ bí mật đến cùng, phải đoàn kết hiệp đồng trong chiến đấu và bắn tiết kiệm đạn, cán bộ phải đồng cam cộng khổ với chiến sĩ…
Những ngày đầu tìm nơi đặt trận địa pháo cao xạ, cán bộ các đơn vị đều rất lúng túng vì đối chiếu với lý thuyết đã học thì không nơi nào đạt yêu cầu cả. Được tin, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện nghiêm khắc phê bình, nhắc chúng tôi không được lệ thuộc vào sách vở, phải bám sát nhiệm vụ được giao mà vận dụng sáng tạo những gì đã học vào điều kiện cụ thể chiến trường Việt Nam.
Khi các trận địa được bố trí xong, sẵn sàng chờ lệnh chiến đấu, Đại tướng lại gọi điện động viên: “Thế trận của hai trung đoàn trọng pháo và pháo cao xạ như hai mũi dao nhọn đang chĩa thẳng vào trái tim quân thù. Bác Hồ đã gửi cờ thưởng luân lưu dành cho đơn vị nào lập công xuất sắc nhất. Chúc các đồng chí chiến thắng!”.
Tối 13/3/1954, chiến dịch ĐBP mở màn. Sáng 14/3, pháo cao xạ chúng tôi lập chiến công đầu, bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay Mô-ran của Pháp. Năm ngày tiếp theo, hai tiểu đoàn 383 và 394 với 6 đại đội pháo cao xạ 37 ly đã liên tiếp bắn rơi 14 máy bay Pháp, bắn bị thương 25 chiếc khác.
Suốt thời gian chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành cho Đoàn pháo cao xạ 367 chúng tôi mối quan tâm đặc biệt. Mỗi chiến công bắn rơi máy bay đều được Đại tướng gọi điện biểu dương và đề nghị Bộ chỉ huy chiến dịch khen thưởng. Khi số máy bay Pháp bị bắn rơi tại Điện Biên Phủ lên tới chiếc thứ 49, Đại tướng ra lời kêu gọi: “Toàn mặt trận thi đua bắn rơi chiếc máy bay Pháp thứ 50”.
Sáng 12/4, Đại đội 828 chỉ bằng 12 viên đạn pháo 37 ly, đã bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay thứ 50, là loại máy bay B24 ném bom cỡ lớn của địch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kịp thời điện biểu dương và quyết định tặng Đại đội 828 Huân chương Quân công Hạng Nhì.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu, Đoàn pháo cao xạ 367 chúng tôi đã bắn rơi 52 trong tổng số 62 máy bay địch bị bắn rơi trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bắn bị thương trên 100 chiếc khác.
Ngày 13/5/1954, Đại đội 815, Tiểu đoàn 383- đơn vị bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên và là đại đội bắn rơi nhiều máy bay nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã vinh dự được thay mặt các đơn vị pháo cao xạ Điện Biên về dự lễ mừng chiến thắng tại cánh đồng Mường Phăng, ngay bên Sở chỉ huy chiến dịch. Đại đội 815 được nhận lá cờ “Quyết chiến quyết thắng”- phần thưởng cao quý của Bác Hồ gửi tặng đơn vị lập nhiều thành tích nhất trong lực lượng pháo cao xạ Việt Nam. Trong lễ mừng chiến thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã duyệt các đơn vị về dự lễ và dừng lại bắt tay đồng chí Hà Văn Lực, đại đội trưởng đại đội 815. Đại tướng thay mặt Bộ chỉ huy chiến dịch biểu dương “Đoàn pháo cao xạ 367 đã nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, hành quân chiến đấu giỏi, giữ được an toàn người và xe, pháo, giữ được bí mật binh chủng đến giờ tiến công của chiến dịch, dành được yếu tố bất ngờ về chiến thuật. Các đơn vị pháo cao xạ đã rất dũng cảm trong chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ yểm hộ bộ binh, pháo binh, đặc biệt trong nhiệm vụ khống chế vùng trời, cắt đứt con đường tiếp tế và tăng viện hàng không duy nhất của địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung…”. Hai mươi chữ vàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen tặng “Bộ đội pháo cao xạ trẻ tuổi, anh dũng tuyệt vời, lần đầu ra trận đã chiến thắng vẻ vang” – là niềm vinh dự lớn lao của cán bộ chiến sĩ Đoàn 367, đơn vị pháo cao xạ đầu tiên của quân đội ta.
Nay đã gần 60 năm trôi qua, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không còn nữa. Trong nỗi bàng hoàng, tiếc thương vô hạn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh cả của quân đội, tình cảm và những lời căn dặn của Đại tướng đã trở thành kỷ niệm không quên, sống mãi trong lòng chúng tôi…/.