Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 6/1/1946 với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng tháng Tám, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến đã nô nức tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội lần đầu tiên, bất chấp sự chống phá của các thế lực xâm lược và chống đối.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã khai sinh Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
|
Nhân dân lao động Thủ đô cổ động cho ngày Tổng Tuyển cứ đầu tiên. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
|
Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, với hàng nghìn đại biểu Quốc hội được cử tri, nhân dân cả nước lựa chọn, bầu ra, Quốc hội Việt Nam không ngừng đổi mới trên các lĩnh vực hoạt động, khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Để hoạt động của Quốc hội ngày càng đạt hiệu quả cao, một trong những yếu tố thiết yếu cần phát huy, đó là tăng cường mối quan hệ giữa Quốc hội với cử tri, nhân dân, bởi mối quan hệ phối thuộc giữa đại biểu Quốc hội với nhân dân là điều kiện cơ bản bảo đảm Quốc hội là cơ quan đại diện cho tiếng nói của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết để Quốc hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Trách nhiệm người đại biểu của nhân dân
Lịch sử phát triển của Quốc hội gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam, là nơi thống nhất ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Quyền lực to lớn của Quốc hội được nhân dân ủy thác để quản lý đất nước và bảo vệ lợi ích của nhân dân, đồng thời, nhân dân thông qua Quốc hội để thực hiện quyền lực của mình.
Ngay từ những ngày đầu diễn ra cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đó là: "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà"; "những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc của đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm sao cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc".
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện đầy đủ trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1992 và mới đây là Hiến pháp năm 2013. Thực thi Hiến pháp 2013, Luật tổ chức Quốc hội (năm 2014) và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng Nhân dân (năm 2015) đã cụ thể hóa các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với cử tri và nhân dân cả nước.
Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIII nhận định trên cơ sở kế thừa những nội dung hợp lý của các bản Hiến pháp trước đây, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã ghi nhận đầy đủ trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước cử tri và nhân dân tại các điều 79, 80 và 82.
Trước hết đó là trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ Đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phản ánh ý kiến của cử tri và nhân dân trước Nghị trường; trách nhiệm trực tiếp trong việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; trách nhiệm thay mặt nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, chất vấn các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; trách nhiệm nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ của người đại biểu Quốc hội.
Ông Đinh Xuân Thảo phân tích đại biểu Quốc hội là người được nhân dân ủy quyền, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước. Vì vậy, đại biểu Quốc hội và Quốc hội phải có trách nhiệm nói lên ý chí chung thống nhất của không chỉ của từng cá nhân, tập thể mà còn cả cộng đồng.
Với nguyên lý đó, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là phải phản ánh ý chí của đại đa số cử tri ở đơn vị bầu cử ra mình, sau đó là ý chí chung của nhân dân cả nước. Để thực hiện được trách nhiệm của người được ủy quyền, đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của Đại biểu và của Quốc hội; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.
Chính vì vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành và trên thực tế, các đại biểu Quốc hội đều phải thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp để tiếp thu ý kiến của cử tri và nhân dân. Tại Nghị trường, đại biểu Quốc hội sử dụng quyền của mình để thể hiện chính kiến, nói lên ý chí, nguyện vọng của cử tri ở nơi bầu ra mình và của nhân dân cả nước.
Gắn bó “máu thịt” với nhân dân
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội từ khóa VI đến khóa XI, Hiến pháp năm 2013 đã quy định rất rõ về địa vị pháp lý và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội đối với cử tri và nhân dân có thể được coi như một sự gắn bó "máu thịt," một sợi dây liên kết bền chặt, gắn kết.
Đó là sự vận động từ hai phía đại biểu Quốc hội, đại biểu dân cử nói chung và nhân dân. Hiến pháp đã quy định như vậy nhưng nếu người đại biểu Quốc hội không chủ động gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của cử tri, nhân dân thì cử tri có kiến nghị, gửi bao nhiêu đơn thư... cũng sẽ "rơi vào khoảng không".
Đại biểu Quốc hội Việt Nam chủ yếu làm việc bán chuyên trách, chỉ có khoảng 30% đại biểu Quốc hội làm việc theo chế độ chuyên trách, còn lại, có tới 70% đại biểu làm việc theo chế độ không chuyên trách. Do đó, dù Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định rõ về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với nhân dân nhưng nếu đại biểu Quốc hội không nỗ lực phấn đấu, thu xếp thời gian sẽ không thể gặp gỡ, có sự gắn kết, kết nối với cử tri. Điều này đòi hỏi mỗi đại biểu Quốc hội cần chủ động mọi lúc, mọi nơi để được tiếp xúc, lắng nghe tiếng nói của cử tri, bởi những ý kiến này chính là nguồn sung trí tuệ vô tận cho kiến thức của người đại biểu Quốc hội.
"Không gần gũi, gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe, không nhận, đọc đơn thư của cử tri, đại biểu Quốc hội sẽ làm việc như robot chứ không phải là một con người bằng xương bằng thịt. Do đó, mối liên hệ, sự gắn bó máu thịt giữa đại biểu Quốc hội và cử tri là điều hết sức bức thiết" - bà Hoài Thu nói.
Tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân
Để đại biểu Quốc hội gắn bó gắn bó chặt chẽ với cử tri, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội khóa XIII khẳng định từ khi cách mạng Việt Nam có Đảng lãnh đạo, Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Mối quan hệ này tạo thành sức mạnh vô địch, trường tồn cho cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam, là bài học thực tiễn sinh động, vô giá.
Trong lãnh đạo Quốc hội, quan điểm này cần cụ thể hóa hơn, để mỗi đại biểu thấm nhuần tư tưởng, bài học này trong mối quan hệ với cử tri, trong hoạt động của đại biểu. Cán bộ lãnh đạo, đảng viên là đại biểu Quốc hội phải thật sự gương mẫu gắn bó với cử tri.
Cấp ủy đảng các cấp cần coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo việc giải quyết các vấn đề bức xúc trong nhân dân, những vấn đề đại biểu phản ánh, yêu cầu. Quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước cần có chế tài về vấn đề này. Bên cạnh đó, Quốc hội cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn, thực sự phát huy trí tuệ của đại biểu; tin dân, lắng nghe nhân dân nhiều hơn, thực chất hơn.
Bà Quyết Tâm cho rằng tại các kỳ họp, các diễn đàn của Quốc hội, cần tạo điều kiện, "môi trường" để đại biểu tranh luận nhiều hơn, thẳng thắn hơn; để nhân dân có quyền, có điều kiện tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội. nhân dân không chỉ thực thi pháp luật, chủ trương, chính sách, mà còn là người phản biện, sự đồng thuận hay không đồng thuận với chủ trương, chính sách, pháp luật - đó là thực tiễn, là lòng dân, tấm gương phản chiếu này rất chân thực - nếu đại biểu Quốc hội gạn lọc, lắng nghe chân thành sẽ phát huy được trí tuệ của nhân dân, nâng cao chất lượng các quyết định của Quốc hội. Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội cần tăng cường gặp gỡ cử tri; gắn bó với cử tri, giữ chữ tín vì sự thôi thúc của niềm tin, sự kỳ vọng cử tri gửi gắm đối với đại biểu.
Kỷ niệm 70 năm Tổng tuyển cử đầu tiên cũng là dịp Quốc hội bầu ra các đại biểu Quốc hội khóa mới (khóa XIV), bà Quyết Tâm nhấn mạnh việc lựa chọn người để giới thiệu ứng cử là quan trọng, đảm bảo đủ tiêu chuẩn và phải thực sự yêu thích hoạt động Quốc hội. đại biểu Quốc hội phải thực sự là một nghề, xây dựng các chuẩn mực đạo đức nghề đại biểu Quốc hội.
Người đại biểu Quốc hội phải yêu nghề, có đạo đức nghề nghiệp, mới xứng đáng với sự lựa chọn của cử tri, xứng đáng làm người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước...
Tư tưởng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta" vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự đối với người đại biểu của dân trong tình hình mới. đại biểu Quốc hội không gắn bó chặt chẽ với cử tri thì khó học được bài học này và càng khó để làm theo lời dạy và tấm gương trọn đời phục vụ nhân dân của Bác Hồ kính yêu - bà Quyết Tâm chia sẻ.