(VOV5) - Theo Giáo sư Yeah Kim Leng, Đại học Sunway (Malaysia), chủ đề “Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” của APEC 2017 thích hợp vì Châu Á – Thái Bình Dương đang là khu vực phát triển năng động nhất thế giới.
Giáo sư Yeah Kim Leng, thuộc Đại học Sunway (Malaysia), đánh giá cao vai trò của Việt Nam đối với các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017, đồng thời bày tỏ nhiều kỳ vọng vào những kết quả đạt được tại APEC lần này với vai trò chủ nhà của Việt Nam.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Tâm Hằng/Vietnam+) |
Theo Giáo sư, chủ đề “Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” mà Việt Nam đưa ra cho năm APEC 2017 là rất thích hợp khi châu Á – Thái Bình Dương hiện vẫn đang là khu vực phát triển năng động nhất thế giới. Về những nỗ lực của Việt Nam trên cương vị chủ nhà của APEC 2017, Giáo sư Yeah cho rằng nếu Việt Nam có thể huy động một mạng lưới trên cương vị chủ nhà APEC 2017, các nền kinh tế thành viên có thể tăng cường nỗ lực, hướng đến một hình thức hội nhập khu vực, hoặc là dưới hình thức giống như Hội đồng Khu vực Tự do Thương mại ASEAN hay một số thỏa thuận khu vực khác. Điều này sẽ giúp tạo ra một diễn đàn chung để đảm bảo rằng thương mại tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục được tự do hóa.
Còn Giáo sư Go Ito, chuyên ngành Quan hệ quốc tế, Khoa học chính trị, Đại học Meji, khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong toàn bộ tiến trình hợp tác APEC cũng như ý nghĩa của việc Việt Nam là chủ nhà tổ chức Hội nghị cấp cao APEC năm 2017. Theo Giáo sư Go Ito, trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam còn là quốc gia có nền kinh tế đang nổi với tốc độ tăng trưởng ấn tượng.
Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng Việt Nam đã rất nỗ lực thúc đẩy chương trình nghị sự cải cách của APEC trong nhiều cuộc họp của các nhóm làm việc, các quan chức cấp cao và các bộ trưởng. Việt Nam sẽ phải thực hiện vai trò lãnh đạo tích cực để vượt qua những khó khăn. Cũng theo Giáo sư Karl Thayer, việc Việt Nam lần thứ hai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC thể hiện tầm quan trọng trong chính sách dài hạn của Việt Nam về việc đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ đối ngoại. Thông qua Hội nghị Cấp cao APEC lần này, Việt Nam cũng nên giới thiệu sự phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng xinh đẹp và hiện đại nhằm chứng minh rằng Việt Nam là một quốc gia đóng góp mạnh mẽ và tích cực cho an ninh khu vực và toàn cầu. Để từ đó, Việt Nam có thể thu hút sự ủng hộ hơn nữa từ các nền kinh tế phát triển trong APEC nhằm thúc đẩy các mục tiêu phát triển của mình.