(VOV5) - Việt Nam cũng khẳng định lại lập trường nguyên tắc nhất quán của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh ASEAN và Canada cần phối hợp bảo đảm môi trường khu vực hòa bình và ổn định.
Ngày 13/07, Đối thoại trực tuyến ASEAN-Canada lần thứ 18 diễn ra theo hình thức trực tuyến. Tại đối thoại, Trợ lý Ngoại trưởng, Trưởng SOM Canada, ông Paul Thoppil nhấn mạnh, ASEAN là đối tác chủ chốt của Canada, nhất quán coi trọng quan hệ với ASEAN là một trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Canada, đồng thời mong muốn nâng tầm quan hệ với ASEAN và tham gia sâu rộng hơn vào các cơ chế hợp tác khu vực do ASEAN chủ trì như Cấp cao Đông Á (EAS).
Các nước ASEAN và Canada nhất trí đẩy mạnh hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và đầu tư, duy trì kết nối chuỗi cung ứng; ưu tiên khởi động đàm phán xây dựng Khu vực mậu dịch tự do (FTA) ASEAN-Canada trong năm 2021; tiếp tục các chương trình hợp tác giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường hợp tác phát triển bền vững và ứng dụng các thành quả đổi mới sáng tạo.
Các đại biểu dự Đối thoại trực tuyến ASEAN - Canada lần thứ 18. Ảnh: TTXVN |
Về tình hình quốc tế và khu vực, Canada ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực, đề cao luật pháp quốc tế, xây dựng trật tự khu vực dựa trên luật lệ. Về tình hình Myanmar, Canada hoan nghênh kết quả Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN ngày 24/04, ủng hộ vai trò của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp ổn định tình hình.
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt đoàn Việt Nam, ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao), đề nghị Canada tiếp tục ủng hộ các nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của ASEAN; hỗ trợ các nước ASEAN tiếp cận vaccine COVID-19 công bằng, đồng đều, an toàn và hiệu quả, phối hợp duy trì và thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, bảo đảm chuỗi cung ứng. Việt Nam cũng khẳng định lại lập trường nguyên tắc nhất quán của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh ASEAN và Canada cần phối hợp bảo đảm môi trường khu vực hòa bình và ổn định, đề cao luật pháp quốc tế, tăng cường xây dựng lòng tin, kiềm chế, không quân sự hóa, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.