(VOV5) - Ngày 21/01, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) trực tuyến.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cám ơn sự hợp tác và hỗ trợ của các nước đã dành cho Việt Nam để hoàn thành nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020, khẳng định sẽ ủng hộ và hợp tác chặt chẽ với Brunei và các nước ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu, ưu tiên đề ra cho Năm ASEAN 2021.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định sẽ ủng hộ và hợp tác chặt chẽ với Brunei và các nước ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu, ưu tiên đề ra cho Năm ASEAN 2021. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, bất ổn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh Việt Nam đề xuất ASEAN sử dụng Quỹ ASEAN về Ứng phó COVID-19 để mua vaccine và các vật tư y tế thiết yếu, trước mắt ưu tiên cung cấp cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu và những nhóm dân số dễ bị tổn thương; đồng thời sớm đưa vào hoạt động Kho dự phòng vật tư y tế khu vực (RRMS) cũng như thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED).
Về xây dựng Cộng đồng, Phó Thủ tướng đề nghị các nước sớm hoàn tất kiểm điểm thực hiện Hiến chương ASEAN cũng như nghiên cứu, triển khai các kết quả, khuyến nghị thu được từ quá trình kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đồng thời khẩn trương bắt tay xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025. Trên cương vị Chủ tịch Nhóm Đặc trách về Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) năm 2021, Việt Nam sẽ tổ chức Đối thoại ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển trong các Tiểu vùng nhằm thúc đẩy phục hồi bền vững và phát triển công bằng.
Trao đổi về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng khẳng định đóng góp cho hòa bình, ổn định trên Biển Đông là trách nhiệm của tất cả các quốc gia trong khu vực. Việt Nam sẽ cùng các nước tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố DOC, cùng ASEAN và Trung Quốc hướng tới sớm đạt được Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả,phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.