(VOV5) - Đây là một hiệp định thương mại tự do quy mô lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tiếp nối các hoạt động tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 26 đang diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, sáng 9/3, các đại biểu tham dự Hội nghị Ủy ban Đàm phán thương mại Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực ASEAN.
Đoàn chủ trì phiên họp. - Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN |
Tại phiên họp này, các đại biểu thống nhất quan điểm chung của các nước ASEAN về Hiệp định RCEP với các quốc gia đối tác, hướng tới ký kết Hiệp định RCEP trong năm 2020.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất tại phiên họp này đó là việc đưa Ấn Độ, 1 trong số 16 nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trở lại bàn đàm phán sau khi quốc gia này đã rút khỏi Hiệp định RCEP vào cuối năm ngoái. Nếu 16 nước tham gia đầy đủ ký kết Đối tác kinh tế toàn diện khu vực sẽ mang lại lợi ích về kinh tế, thương mại cho tất cả các thành viên.
Khởi động đàm phán từ tháng 11/2012, Hiệp định RCEP đặt mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà hiệp hội này đã ký hiệp định thương mại tự do gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand.
Đây là một hiệp định thương mại tự do quy mô lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khi được ký kết, RCEP sẽ hình thành một khối thương mại chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu.