Ngày 1/1/2012 đánh dấu tròn một thập kỷ đồng tiền chung châu Âu Euro ra đời. Trái với không khí hân hoan chào đón cách đây 10 năm, châu Âu kỷ niệm đồng tiền chung duy nhất tròn 10 tuổi trong bầu không khí ảm đạm, với tâm trạng lo lắng khi cuộc khủng hoảng nợ công đang đe dọa sự tồn vong của đồng tiền này.
Trên thực tế, đồng Euro được sử dụng trên thị trường tài chính từ năm 1999, song đến ngày 1/1/2002, đồng euro dưới dạng tiền giấy và tiền xu mới chính thức được lưu hành ở 12 quốc gia trong khu vực đồng tiền chung thời đó. Đến giữa năm 2011, 14,2 tỷ tờ tiền giấy và 95,6 tỷ đồng tiền xu với tổng trị giá 870 tỷ Euro đã được lưu hành tại 17 quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) với 332 triệu dân.
Đồng euro ra đời nhằm mục đích tạo sự lưu hành dễ dàng trong một châu Âu thống nhất và có giá trị ổn định. Và trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008, đồng euro vẫn được coi là một thành công mỹ mãn của châu Âu. Đồng Euro đã tạo nhiều thuận lợi cho đời sống các doanh nghiệp châu Âu trong việc giảm thiểu các khoản chi phí liên quan đến vô số các loại tiền mà doanh nghiệp trao đổi. Còn người tiêu dùng thì có được sự ổn định về giá cả, cho dù về mặt tâm lý, không ít người vẫn có cảm giác rằng đồng tiền chung châu Âu đã góp phần làm chi phí sinh hoạt thêm đắt đỏ.
Trong nhiều năm,Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thành công khi giữ mức lạm phát trong khu vực ở mức 2%/năm. Đồng Euro là một trong những đồng ngoại tệ lớn trên thế giới và tạo cho châu Âu một vị thế đáng kể trong các cuộc mặc cả kinh tế thế giới. Hơn thế, đồng Euro còn là biểu tượng hữu hình cho sự thống nhất của khu vực. Vậy mà, ngay trước thời điểm kỷ niệm 10 năm đồng Euro ra đời, không ít báo chí đề cập đến kịch bản đồng Euro sụp đổ cùng những hậu quả khủng khiếp của nó. 14 trong số 20 chuyên gia kinh tế được hãng Reuters phỏng vấn cuối tháng 11 vừa qua cho rằng đồng Euro sẽ không thể tiếp tục tồn tại như trước đây và nhiều tập đoàn lớn đã chuẩn bị phương án cho tình huống xấu nhất. Còn những người dân EU, điều làm họ rầu lòng chính là giá cả leo thang, tỷ lệ thất nghiệp cao, an sinh xã hội bị ảnh hưởng, mức sống suy giảm do khủng hoảng nợ công lan rộng từ khu vực đồng Euro. Vì đâu nên nỗi?
Câu trả lời có nhiều song nguyên nhân đầu tiên lại xuất phát từ chính lợi thế của việc châu Âu duy trì được lãi xuất thấp đã khuyến khích nhiều nhà nước và người dân trong khu vực đồng Euro đi vay, chi tiêu vượt quá khả năng của mình. Trong khi đó, Liên minh châu Âu lại thiếu một đường hướng chỉ đạo chính trị cho các nước thành viên và không có một quy định hướng dẫn ngân sách chung. Hậu quả là sau Hy Lạp, đến lượt Ailen và Bồ Đào Nha buộc phải cầu cứu sự giúp đỡ của quốc tế để thanh toán các khoản nợ đáo hạn.
Sang đến năm 2011, khủng hoảng nợ công lây lan ra toàn khu vực đồng euro khi Italia và Tây Ban Nha lâm vào tình trạng nghiêm trọng, trong khi đó Pháp bị đe dọa mất điểm tín nhiệm AAA. Đường phố châu Âu nóng bởi các cuộc biểu tình, đình công, để phản đối tình trạng thất nghiệp, cắt giảm ngân sách và cơn lốc khủng hoảng đã cuốn trôi chính phủ nhiều nước như Thủ tướng George Papandreou của Hy Lạp, Thủ tướng Silvio Berlusconi của Italia. Trước đó, Thủ tướng Brian Cowen của Ailen, Thủ tướng Jose Luis Zapatero của Tây Ban Nha, và Thủ tướng Jose Socrates của Bồ Đào Nha cũng buộc phải ra đi.
Khủng hoảng nợ công cũng đang gây chia rẽ trong nội bộ Liên minh châu Âu xung quanh cách thức xử lý nợ cũng như việc xem xét lại Hiệp ước châu Âu Lisbon. Liên minh châu Âu đã phải tổ chức hàng loạt hội nghị cấp cao để cứu nguy đồng Euro, các kế hoạch thắt lưng buộc bụng liên tiếp được đưa ra, song đến nay thị trường tài chính quốc tế và dư luận vẫn thiếu tin tưởng vào đồng euro.
10 năm sau khi ra đời, đồng euro- biểu hiện hữu hình nhất về sự hội nhập châu Âu trong cuộc sống thường nhật- nay lại trở thành biểu tượng của khủng hoảng nợ công và suy giảm kinh tế. Tại nhiều quốc gia châu Âu, sự ủng hộ đối với đồngEuro bị tụt giảm. Theo một cuộc thăm dò dư luận do viện Ipsos thực hiện vào tháng 11/2011, có tới 45% dân Pháp cho rằng đồng euro gây bất lợi cho việc đối phó với khủng hoảng. 85% người dân Đức cho rằng đồng euro dã đẩy giá cả tăng cao.
Theo một cuộc điều tra gần đây tại Tây Ban Nha, 70% người dân cho rằng đồng euro chẳng mang lại lợi lộc gì nhiều. Có thể nói, chưa bao giờ số phận đồng euro lại mong manh như hiện nay và EU đang phải trả phí cho bài học về kiểm soát thâm hụt ngân sách./.
Đoàn Thị Trung