1. Quốc hội khóa XIII thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi)
Ngày 28/11/2013, tại kỳ họp thứ Sáu, với 97,59% số phiếu tán thành, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). Đây là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị; đề cao quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, khẳng định tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân.
|
Các đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam |
2. Hội nghị Trung ương 7 và 8 ban hành nhiều quyết sách quan trọng để phát triển bền vững đất nước
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 và 8 (khóa 11) đã thông qua các Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục; Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
3. Hoạt động đối ngoại được triển khai toàn diện và đạt được nhiều thành tựu nổi bật
Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Xinh-ga-po, I-ta-li-a và Pháp. Việt Nam và Hoa Kỳ cũng xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác toàn diện. Ngoài ra, Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc và Ủy ban Di sản thế giới. Thông điệp của Việt Nam “Xây dựng lòng tin chiến lược” trong quan hệ quốc tế được dư luận thế giới ca ngợi và đánh giá cao.
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng (Ảnh: AP) |
4. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng được duy trì ở mức hợp lý, lạm phát được kiềm chế, an sinh xã hội được đảm bảo
Năm 2013, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,42 %; lạm phát ở mức 6,04%; tỷ lệ hộ nghèo dưới 8%. Quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh, nhất là tái cơ cấu lĩnh vực tài chính, ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước.
|
Kinh tế vĩ mô năm 2013 cơ bản ổn định, tăng trưởng được duy trì ở mức hợp lý |
5. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại, từ trần ở tuổi 103
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài ba, nhà chiến lược và chỉ huy quân sự lỗi lạc, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người con ưu tú của dân tộc từ trần ở tuổi 103. Sự ra đi của Đại tướng- một nhân cách lớn, tài đức vẹn toàn, có sức lan tỏa, gắn kết toàn dân tộc; nhân lên sức mạnh nhân nghĩa, nhân văn, làm giầu thêm giá trị Việt Nam.
|
Tiễn đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng |
6. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng mang lại niềm tin trong nhân dân
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử 8 vụ án, 2 vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, trong đó có các vụ án tham nhũng tại Công ty cho thuê tài chính 2 thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank; Tổng công ty hàng hải Việt Nam Vinalines; Ngân hàng Thương mại cổ phần Á châu ACB. Nhiều bị cáo bị tuyên án ở mức cao nhất: tử hình.
|
Dương Chí Dũng (giữa) và các bị cáo liên quan trong vụ án Vinaline trước vành móng ngựa. Tòa quyết định tuyên phạt Dương Chí Dũng án tử hình về tội tham ô tài sản, 18 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt tử hình. |
7. Số lượng các cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam ở mức kỷ lục
Có tới 19 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trong năm nay. Trong số này, có 2 cơn bão số 10 và 11 với cường độ mạnh trên cấp 12 đổ bộ vào miền Trung. Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Tuy nhiên, thiên tai đã làm gần 300 người chết, thiệt hại về vật chất lên tới 25 nghìn tỷ đồng. Thực tế này cho thấy những tác động khó lường của biến đổi khí hậu, buộc con người phải rút ra các bài học về phòng chống thiên tai và điều chỉnh hành vi, cách ứng xử với thiên nhiên.
|
Nước lũ nhấn chìm nhà dân ở thị xã An Nhơn - Bình Định |
8. Dân số Việt Nam đạt ngưỡng 90 triệu người
Ngày 1/11/2013, công dân thứ 90 triệu của Việt Nam ra đời, đưa nước ta trở thành quốc gia có quy mô dân số đứng thứ 14 trên thế giới, với cơ cấu dân số vàng, tức là ít nhất có 2 người trong tuổi lao động “nuôi” 1 người trong độ tuổi phụ thuộc. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức khi quy mô dân số cần phải gắn liền với chất lượng dân số và cơ cấu dân số vàng gắn với chất lượng nguồn nhân lực.
|
Vào ngày 1/11/2013, Việt Nam chào đón công dân thứ 90 triệu. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đón bé Nguyễn Thị Thùy Dung, chào đời lúc 2h45 sáng. |
9. Y tế, ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm ... còn nhiều nỗi lo
Nhiều vụ việc xảy ra trong lĩnh vực y tế như vụ nhân bản kết quả xét nghiệm tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Hà Nội, vụ thẩm mỹ viện Cát Tường; vụ đổ thải hóa chất độc hại ra môi trường của công ty Nicotex, Thanh Hóa; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, … khiến người dân không khỏi băn khoăn về chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, các vụ tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng, việc xả lũ các hồ thủy điện cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
|
Bị can Nguyễn Mạnh Tường- Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường được đưa đi thực nghiệm nơi đối tượng khai vứt xác nạn nhân |
10. Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể
Nghệ thuật đờn ca tài tử xuất hiện từ trên 100 năm tại Nam Bộ. Loại hình nghệ thuật này có tầm ảnh hưởng văn hóa rộng lớn, giá trị nghệ thuật độc đáo. Như vậy, đến nay, Việt Nam có 8 loại hình nghệ thuật, tín ngưỡng được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể; Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
|
Ngày 2/12/2013, tại Thủ đô Baku của Azerbaijan, Chủ tịch hội đồng UNESCO công bố, Đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam được ghi vào danh sách văn hóa phi vật thể của nhân loại. |
9. Y tế, ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm ... còn nhiều nỗi lo.
9. Y tế, ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm ... còn nhiều nỗi lo.
9. Y tế, ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm ... còn nhiều nỗi lo.