Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (APEC) ra Tuyên bố Đà Nẵng nhằm xây dựng cộng đồng APEC phát triển bao trùm và tự cường
Tuyên bố Đà Nẵng được các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC thông qua tại Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam từ 6/11 - 11/11/2017. APEC quyết tâm triển khai các hợp tác dài hạn trong một số lĩnh vực như phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển du lịch bền vững; tái khẳng định cam kết hoàn tất thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư; tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới.
2. Đạt được thỏa thuận Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Thỏa thuận đã làm hồi sinh xu thế hợp tác và liên kết kinh tế ở khu vực Thái Bình Dương mà không có sự tham gia của Mỹ. Với vai trò kết nối quan trọng của Nhật Bản, Bộ trưởng các nước đồng thuận giữ nguyên những nội dung của Hiệp định TPP cũ, nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số điều khoản để bảo đảm lợi ích chung, tính đến trình độ phát triển của từng nước. Các nước sẽ rà soát, xử lý những vấn đề còn bất cập để tiến tới chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
3. Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX và “Giấc mơ Trung Hoa”
Tại Đại hội, ông Tập Cận Bình được bầu lại làm Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc. Đại hội cũng nhất trí thông qua Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, đồng thời đưa vào Điều lệ Đảng sửa đổi. Nội dung của tư tưởng là mục tiêu chấn hưng Trung Quốc trên nhiều bình diện, đến năm 2050 đưa Trung Quốc trở thành cường quốc chủ nghĩa xã hội hiện đại với tầm ảnh hưởng dẫn đầu thế giới.
4. Mỹ thực hiện phương châm "Nước Mỹ trước tiên"
Với hàng loạt chính sách kinh tế khá mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump, kinh tế Mỹ khởi sắc, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng gấp đôi so với thời điểm diễn ra cuộc tranh cử Tổng thống năm 2016; tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 17 năm qua (4,1% cuối tháng 10).
Về đối ngoại, Mỹ giảm dần các cam kết với đồng minh; rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về ứng phó biến đổi khí hậu; rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO); công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel; cương quyết kiểm soát vấn đề nhập cư. Mỹ cũng cứng rắn hơn với vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, gia tăng căng thẳng với Nga, Syria, Cuba, Venezuela. Khái niệm "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" được nêu trong Chiến lược an ninh quốc gia mới cho thấy tầm nhìn chiến lược của Mỹ về địa chính trị trong bối cảnh mới.
5. Bán đảo Triều Tiên tiếp tục là điểm nóng hàng đầu thế giới
CHDCND Triều Tiên gia tăng các vụ thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Tổng cộng, Triều Tiên đã tiến hành phóng ít nhất 20 tên lửa, trong đó có 3 lần thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Đỉnh điểm là vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa cuối tháng 11, với tuyên bố Bình Nhưỡng có khả năng tấn công hạt nhân vươn đến Mỹ. Hội đồng Bảo an LHQ ban hành nhiều lệnh trừng phạt với quốc gia này. Mỹ cũng đưa CHDCND Triều Tiên trở lại danh sách mà Mỹ gọi là “các quốc gia bảo trợ khủng bố”.
6. ASEAN và Trung Quốc đạt bước tiến quan trọng về vấn đề Biển Đông
Dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) được ASEAN và Trung Quốc thông qua sau thời gian dài thảo luận với gần 4 năm chính thức đàm phán. Dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) được coi như một “ phác thảo” mang tính bản chất, nêu chi tiết cơ sở pháp lý cũng như cách hành xử của các nước trong khu vực đối với vấn đề Biển Đông.
Để đi đến một Bộ Quy tắc hoàn chỉnh và có hiệu lực còn cả chặng đường dài, nhưng việc đạt được Dự thảo khung có ý nghĩa quan trọng bởi điều đó không chỉ cho thấy sự đồng thuận của ASEAN trong năm kỷ niệm tròn 50 tuổi mà quan trọng hơn cả là thể hiện cam kết mạnh mẽ của ASEAN và Trung Quốc mong muốn khởi động vấn đề vốn đã bị trì hoãn bấy lâu.
7. Châu Âu đối mặt với những diễn biến chính trị và an ninh phức tạp
Tổng thống Pháp Macron và phu nhân trong lễ nhậm chức (Ảnh: AFP)
Năm 2017 chứng kiến nhiều cuộc bầu cử ở châu Âu, trong đó có những cuộc bầu cử có tác động lớn đối với tương lai của Liên minh Châu Âu (EU). Nhà lãnh đạo trẻ tuổi Emmanuel Macron thắng cử Tổng thống Pháp; bà Angela Merkel tái cử lần thứ 4 cương vị Thủ tướng CHLB Đức đã giúp cục diện chính trị châu Âu tạm thời ổn định, góp phần củng cố đoàn kết trong EU sau sự kiện Brexit để giải quyết khủng hoảng nợ công hay quan hệ trục trặc với Mỹ.
Mặc dù xu hướng dân túy và cực hữu tạm bị đẩy lùi, nhưng xu hướng ly khai ở châu Âu hậu Brexit nóng trở lại. Vùng Catalonia (Tây Ban Nha) tuyên bố độc lập, tiếp đó là Venice và Lombardy thuộc Italia tổ chức trưng cầu ý dân yêu cầu trao thêm quyền tự trị. Các nước châu Âu đã tính đến nhiều giải pháp mạnh để hạn chế mầm ly khai lan rộng, đe dọa sự thống nhất và chủ quyền quốc gia.
8. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bật khỏi Syria và Iraq
Với sự trợ giúp của Nga, sau 6 năm chiến sự ác liệt, quân đội Syria đã đánh bại IS, giải phóng và trao lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ đất nước cho chính quyền hợp pháp. Iraq cũng tuyên bố kết thúc cuộc chiến kéo dài 3 năm đánh bật hoàn toàn tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ra khỏi nước này. Tuy vậy, hệ tư tưởng “thánh chiến” cực đoan của tổ chức IS vẫn chưa được xóa bỏ tận gốc rễ. Xu hướng khủng bố và các cuộc tấn công kiểu “con sói đơn độc” ngày càng tăng, chủ yếu ở châu Âu. Nỗi lo IS phân chia thành các nhóm nhỏ xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Đông Nam Á, đang dần trở thành hiện thực.
9. Thách thức về biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét
Năm qua chứng kiến sự hoành hành của thiên tai ở khắp nơi trên thế giới: các cơn bão lớn tàn phá khu vực Cabibe và Mỹ; lũ quét, sạt lở đất ở Peru, Siera Leone, Colombia, Sri Lanka; động đất ở Mexico và ở Iran giáp ranh với Iraq; núi lửa ở Indonesia phun trào trở lại sau 5 thập niên ngủ yên... Thiên tai làm thế giới thiệt hại ước tính lên tới hơn 300 tỷ USD.
10. Công bố Hồ sơ Paradise
Tiếp sau Hồ sơ Panama năm ngoái, thế giới tiếp tục chấn động khi các nhà báo điều tra quốc tế công bố Hồ sơ Paradise với hơn 13 triệu tài liệu, tiết lộ các cách thức trốn thuế của hơn 120 chính trị gia, tài phiệt thế giới; “điểm danh” một số công ty đa quốc gia như Apple, Nike và Uber về các hoạt động trốn thuế.