2011 - Năm châu Á Thái Bình Dương của Mỹ

(VOV5)Nếu nhìn vào toàn cảnh bức tranh đối ngoại đó, có thể thấy một trong những dấu ấn quan trọng và nổi bật là việc Mỹ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược“Quay trở lại châu Á”. Liên tục trong năm, Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Hillary và nhiều quan chức cấp cao của Mỹ đã  nhiều lần khẳng định  khu vực châu Á-Thái Bình Dương có tầm quan trọng như thế nào đối với Mỹ. Vậy đâu là lý do khiến Mỹ thực hiện chiến lược này.

2011 - Năm  châu Á Thái Bình Dương của Mỹ - ảnh 1


Sau sự kiện 11/9 nước Mỹ bị tấn công, Mỹ đã đặt chiến lược trọng điểm của mình tại Trung Đông với mục tiêu là chống khủng bố và giành thắng lợi trong cuộc chiến ở Iraq. Trong suốt mười năm qua, Mỹ mải mê dồn sức lực cho cuộc chiến ở Afganixtan và Iraq, thì tại châu Á đã hình thành một chu kỳ phát triển mới khiến cho tầm quan trọng của châu Á vượt qua các khu vực khác trong nền kinh tế toàn cầu. Châu Á hiện sở hữu hơn một nửa dân số thế giới, chiếm gần một nửa kim ngạch thương mại toàn cầu và chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ. Châu Á trong vài thập kỷ qua còn được nhắc tới như một khu vực phát triển năng động nhất thế giới với sự xuất hiện của các cường quốc kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ, đã thách thức vị thế siêu cường của nước Mỹ.

Thực tế cho thấy, tình hình kinh tế Mỹ khó khăn, châu Âu rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, khu vực Trung Đông và châu Phi bất ổn, thì châu Á chính là điểm sáng để Mỹ hướng tới. Trong “Báo cáo chiến lược an ninh châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ” cũng đã nhấn mạnh: Có 3 lý do để chính quyền Obama tái lập ảnh hưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Một là vị thế ngày càng tăng của khu vực này. Đây không chỉ là một trong những khu vực có dân số đông nhất thế giới, mà còn là một trong những khu vực có nền kinh tế phát triển sôi động nhất và tập trung nhiều của cải nhất. Đồng thời, khu vực này còn là một trong những khu vực có lực lượng quân sự dày đặc nhất, tiềm lực phát triển quân sự lớn nhất và vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới. Hai là lợi ích của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Và cuối cùng là những thách thức mà Mỹ phải đối mặt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ, vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Iran, khủng bố ở các quốc gia Nam Á…

Mới đây tại Hawaii, khi trình bày chính sách của Mỹ về châu Á, Ngoại trưởng Mỹ Hillary đã chỉ rõ “Phần lớn lịch sử của thế kỷ 21 sẽ được viết tại châu Á. Khu vực này sẽ xuất hiện sự tăng trưởng kinh tế mang tính thay đổi nhất, rất nhiều thành phố của châu Á sẽ trở thành trung tâm kinh tế, thương mại và văn hoá toàn cầu”. Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), ông Ernest Bower thì cho rằng lý do để Mỹ quyết định can dự sâu rộng hơn với châu Á là vì Tổng thống Obama xác định "nước Mỹ muốn thoát ra khỏi tình trạng ì ạch hoặc suy thoái thì châu Á chính là một phần của câu trả lời”.


Với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế Mỹ phát triển và tạo ra nhiều việc làm cho người dân Mỹ, Tổng thống Obama đã có sáng kiến tăng gấp đôi xuất khẩu của Mỹ vào năm 2015, trong đó khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện sáng kiến này. Mỹ đã thực hiện những bước đi cụ thể nhằm triển khai chiến lược  quay trở lại châu Á. Đầu tiên là thắt chặt các mối quan hệ với những đồng minh quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia đồng thời tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với các quốc gia châu Á đang lên như Ấn Độ, Indonesia. Mỹ đưa các nước Đông Nam Á vào trong các đối tác quan hệ gồm: Đồng minh chính thức, đối tác chiến lược và đối tác chiến lược có thể mong đợi.


Năm 2010, Mỹ đã khởi động “Kế hoạch hành động Hạ nguồn sông Mê Kông” với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Năm 2011, tổng thống Obama đã chính thức tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á do ASEAN khởi xướng. Tháng 11 vừa qua, tại Hội nghị APEC lần thứ 19 tại Hawaii, Tổng thống Mỹ đã công bố khung Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), đây cũng được coi là một mắt xích quan trọng để Mỹ quay trở lại châu Á, xây dựng khu mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương.

Có thể nói rằng, các chuyên gia phân tích đã không quá lời khi nhận định năm 2011 là "Năm châu Á-Thái Bình Dương" của Mỹ. Các nhà ngoại giao Mỹ đang cố gắng chứng tỏ họ chưa bao giờ thực sự rời bỏ khu vực này bởi tầm quan trọng của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong bàn cờ chiến lược của Mỹ là không thể thiếu. Đúng như lời giải thích của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tom Donilon "Với việc nâng tầm khu vực năng động này lên thành một ưu tiên chiến lược, Tổng thống Obama đã chứng tỏ quyết tâm không để các lợi ích lâu dài của nước Mỹ  ở châu Á bị chi phối bởi các cuộc khủng hoảng ở những khu vực khác trên thế giới”./.

                                                                         Minh Hiển (CQTT Đài Tiếng nói Việt Nam tại Mỹ)

Phản hồi

Các tin/bài khác