(VOV5) -Hai nước sẽ tiếp tục đà phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, đưa quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á” bước vào giai đoạn phát triển mới
Ngày 21/09/2018, đánh dấu 45 năm ngày Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua 45 năm, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng của nhau trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” vào tháng 3/2014, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất.
Ông Umeda Kunio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN) |
Mối quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Trong khoảng 25 năm trở lại đây, hợp tác Việt - Nhật trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa... đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trong đó, quan hệ chính trị là động lực, kinh tế là trụ cột, còn văn hóa là nền tảng.
Nền tảng vững chắc
Sự phát triển nhanh chóng, vững chắc của mối quan hệ chính trị Việt - Nhật là điều không phải bàn cãi. Những chuyến thăm của lãnh đạo hai nước bao gồm cả cấp cao nhất, trong đó có chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản hồi đầu năm 2017 và chuyến thăm Nhật Bản cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tháng 6 vừa qua là minh chứng cụ thể. Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường nhận định: CTTP/V6 20/09 TSCT QUOC CUONG
Hiện hai nước đã thiết lập khuôn khổ cho quan hệ hai nước đó là quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình, phồn vinh của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Định hướng lớn nhất của hai nước đó là làm cho quan hệ đối tác chiến lược đó ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn nữa...
Không chỉ dừng ở khuôn khổ song phương, hai nước còn phối hợp và đồng thuận ở nhiều diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc(LHQ, UN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và cùng thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Những mối quan hệ chính trị đầy tin cậy này đã tạo động lực cho sự phát triển toàn diện của hợp tác Việt - Nhật. Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio khẳng định: "Điều phía Nhật Bản rất cảm kích đó là cả các nhà lãnh đạo cũng như người dân Việt Nam đang dành cho Nhật Bản sự tin tưởng rất lớn. Phía Nhật Bản chúng tôi rất muốn hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực để có thể đáp lại sự tin tưởng đó. Sự tin tưởng và sự thân thiện với Nhật Bản của người Việt Nam là điều ấn tượng nhất đối với chúng tôi"…
Nhà vua Akihito mời Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đến vị trí danh dự tại lễ đón chính thức. AẢnh sggp.org.vn |
Trong lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam vào tháng 10/2011. Đến nay, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, đối tác thương mại lớn thứ tư và đối tác lớn thứ ba về du lịch của Việt Nam. Nhật Bản cũng là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp, trong đó hầu hết các tập đoàn lớn của Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Ông Hironobu Kitagawa, Đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản(JETRO) tại Việt Nam, cho rằng: Băng tiếng Nhật: CTTP/V6 20/09 TSCT KITAGAWA
Tùy theo từng giai đoạn, sự hợp tác với Việt Nam của giới doanh nghiệp Nhật Bản có những thay đổi. Ví dụ thập kỷ 90, Nhật Bản tập trung hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực hoàn thiện cơ sở hạ tầng và phát triển ngành công nghiệp chế tạo. Những năm gần đây lĩnh vực hợp tác đang có sự thay đổi. Hiện mặc dù ngành chế tạo vẫn đang hợp tác tốt nhưng các doanh nghiệp Nhật đang hướng đến thị trường Việt Nam, đặc biệt ở các lĩnh vực bán lẻ, phân phối, giáo dục...với mục tiêu mở rộng thị trường tại Việt Nam. Do đó, tôi cho rằng mối quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ ngày càng trở nên đa dạng hơn.
Triển vọng tích cực
Quan hệ Việt – Nhật trong 45 năm qua có bước phát triển vượt bậc, là nền tảng rất quan trọng để phát triển quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới. Sự phát triển này xuất phát từ nhu cầu lợi ích của mỗi bên.
Ngoài ra, một nền tảng mới cho quan hệ hai nước là Việt Nam và Nhật Bản đã cùng nhau tích cực và đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo dự kiến, hiệp định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2019, mở ra triển vọng hợp tác mới cho doanh nghiệp hai nước.
Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Moteghi nhấn mạnh: "Trong những kết quả đạt được đến nay, có sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hai bên đã vượt qua nhiều khó khăn để thúc đẩy quá trình đàm phán. Có thể coi đây là một quy tắc mới thúc đẩy một trào lưu mới của thương mại, đầu tư trong thế kỷ 21, đóng góp vào sự phát triển hơn nữa của một châu Á - Thái Bình Dương vốn đang phát triển một cách năng động".
Việt Nam và Nhật Bản có mối liên hệ gắn kết lâu đời về lịch sử, văn hóa, thương mại. Trong thời gian tới, với sự nỗ lực, đồng lòng và chính sách đúng đắn của cả hai bên, hai nước sẽ tiếp tục đà phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, đưa quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á” bước vào giai đoạn phát triển mới trên các lĩnh vực, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, quốc phòng, an ninh, công nghệ cao.