(VOV5) - Tháng 3 này, các nước châu Âu sẽ kỷ niệm 60 năm ngày ký các Hiệp ước Roma (1957) đặt nền móng cho Liên minh châu Âu (EU) ngày nay. 60 năm qua, dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng các quốc gia châu Âu đã cùng nhau bước đi trên con đường nhất thể hóa. Kỷ niệm 60 năm hiệp ước Roma là dịp để các nước châu Âu nhấn mạnh trở lại các nguyên tắc và giá trị nền tảng của các nước Liên Âu, vốn đang bị đe dọa bởi quá nhiều thách thức.
|
Các nhà lãnh đạo châu Âu nhóm họp tại Rome năm 1957, cuộc họp đặt nền móng cho EU sau này. Ảnh: Nghị viện châu Âu EP |
Với 28 quốc gia thành viên, Liên minh Châu Âu (EU) ngày nay chưa bao giờ ngừng nuôi những ước mơ của những ý tưởng, của những kế hoạch hợp tác, với tham vọng vươn cao hơn, tiến xa hơn. Tuy nhiên, các làn sóng dân túy trong nước, những thách thức mới trên trường quốc tế, đặc biệt là các chính sách mới của tân tổng thống Mỹ, đặt ra cho Châu Âu những thách thức to lớn.
Bước tiến dài trong tiến trình nhất thể hóa
Nhìn lại 60 năm của EU với những bước tiến dài và tham vọng lớn trong hành trình nhất thể hóa với những bài học quan trọng. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đã để lại cho các dân tộc ở châu Âu một diện mạo chính trị mới. Lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ, châu Âu không còn là trung tâm quyền lực của thế giới. Chính trong bối cảnh đó, một ý tưởng mang tính chất cách mạng đã mang đến cho châu Âu con đường đi tới sự phục hưng. Hiệp ước Roma ra đời khởi nguồn từ một tuyên bố sáng kiến hòa giải Pháp và Đức do Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Robert Schumann đưa ra ngày 9/5/1950, theo đó chấm dứt sự thù địch giữa hai nước láng giềng thông qua việc thành lập một cơ chế chung quản lý việc sản xuất và sử dụng than và thép. Cơ chế hợp tác này cũng mở cửa cho sự tham gia của tất cả các quốc gia châu Âu khác.
Sở dĩ gọi ý tưởng này mang tính cách mạng bởi ở thời điểm đó, chưa một mô hình hợp tác quốc tế nào được hình thành mà lại dựa trên sự hợp tác của các nước thành viên trên một lĩnh vực cụ thể chứ không phải là một kế hoạch nhất thể hoá tổng thể và quá tham vọng. Tuy nhiên, cũng phải mất cả một chặng hành trình dài các nước châu Âu mới đi đến sự thống nhất trên các lĩnh vực kinh tế và chính trị. Ngày 25/3/1957, Hiệp ước Roma thành lập ra Cộng đồng châu Âu chính thức được ký kết, đặt nền móng cho EU ngày nay. Sang những năm 1970 và 1980, tiến trình nhất thể hóa châu Âu có thêm những bước tiến mới cả về lượng và về chất. Từ 6 nước, Cộng đồng được mở rộng thành 9 rồi 12 quốc gia. Từ một liên minh thuế quan, châu Âu vươn lên xây dựng một Thị trường chung thống nhất và duy nhất với các cam kết về tự do hóa về hàng hóa, vốn, dịch vụ và nhân lực. Và một Liên minh kinh tế - tiền tệ châu Âu đã trở thành mục tiêu phấn đấu của Cộng đồng. Chiến tranh lạnh chấm dứt, Cộng đồng châu Âu trở thành Liên minh châu Âu (European Union) và đón nhận thêm những thành viên mới. Từ 12 thành viên, Liên minh trở thành tập hợp của 15, 25 và cuối cùng là 28 thành viên. Liên minh giờ đây đã hoàn thành mục tiêu bốn tự do hóa, có một đồng tiền chung Euro cho hơn một nửa các quốc gia thành viên.
Những thách thức trên con đường nhất thể hóa Châu Âu
Với tham vọng của những người kiến tạo nên Hiệp ước Roma 60 năm trước, EU phải mang các giá trị chung cơ bản với ba trụ cột an ninh-chính trị-kinh tế, với các thể chế và luật lệ chung, người châu Âu ngày nay hoàn toàn có thể tự hào về những thành quả nhất thể hoá mà EU đã đạt được. Tuy nhiên, họ cũng không khỏi băn khoăn, lưỡng lự thậm chí là trở nên bi quan về tương lai của Liên minh này khi mà thời gian gần đây một loạt các câu hỏi đang đặt ra mà không dễ dàng có được lời giải đáp.
Đầu tiên là cuộc khủng hoảng kinh tế, cơn lốc nợ công khiến các nền kinh tế thành viên lao đao. Trong khi EU vẫn chưa thể phục hồi sức khỏe thì cơn gió độc “Brexit” tiếp tục vùi dập EU, gây tâm lý hoang mang về tương lai của lục địa này. Làn sóng người di cư tràn vào Châu Âu khiến người ta hoài nghi về bản sắc của châu Âu. EU sẽ dựa trên những giá trị khởi nguồn là tinh thần của Cơ đốc giáo hay phải chấp nhận sự đan xen, tiếp biến với những giá trị của Hồi giáo với sự gia nhập có thể của Thổ Nhĩ Kỳ hay sự lớn mạnh không ngừng của các cộng đồng Hồi giáo nhập cư? Câu hỏi này chưa thể có lời giải trong bối cảnh hiện nay. Việc Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean Claude Juncker mới đây tuyên bố không ra tranh cử nhiệm kỳ 2 là một tín hiệu rõ nét cho thấy các lãnh đạo EU dường như đang nản chí về tương lai của EU. Đáng chú ý hơn, sự buông xuôi của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean Claude Juncker báo hiệu sự chấm dứt của một thế hệ những chính trị gia đã lớn lên và xây dựng sự nghiệp quanh đại dự án châu Âu.
EU đang ở vào thời điểm bản lề với các biến cố nghiêm trọng đến với khối này thời gian qua. Khủng hoảng nợ công, khủng hoảng tị nạn, Brexit và mới nhất là nguy cơ đổ vỡ quan hệ đồng minh sống còn với Mỹ, đang đe doạ đến sự tồn tại của khối này. Phải đối phó với tất cả nguy cơ đó cùng lúc là một thách thức quá lớn mà châu Âu phải đương đầu. Kỷ niệm 60 năm hiệp ước Roma có là cơ hội để EU nhấn mạnh trở lại các nguyên tắc và giá trị nền tảng của mình? Câu trả lời được dư luận đang mong đợi.