(VOV5) - Taliban chưa đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy lực lượng này sẽ nhượng bộ đối với kế hoạch rút quân của Mỹ.
Tối 26/8, hai vụ đánh bom liều chết liên tiếp xảy ra tại khu vực sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul của Afghanistan, khiến hơn 70 người thiệt mạng, trong đó có 13 lính Mỹ. Sự kiện đẫm máu này là minh chứng mới nhất về tình trạng căng thẳng cao độ đang bao trùm quốc gia Nam Á, sau khi Taliban chiếm thủ đô Kabul và tuyên bố toàn quyền kiếm soát đất nước Afghanistan hôm 15/8.
Hiện trường vụ nổ tại sân bay ở Kabul. Ảnh: CNN |
Vụ tấn công ra chỉ ít ngày trước thời hạn chót cho kế hoạch rút hoàn toàn quân đội Mỹ khỏi Afghanistan (ngày 31/8) và trong bối cảnh hàng nghìn người Afganistan tiếp tục đổ về và tập trung quanh sân bay Hamid Karzai, để chờ được sơ tán khỏi đất nước.
Thách thức an ninh nghiêm trọng
Trong tuyên bố đưa ra chỉ ít giờ sau vụ tấn công, Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu rõ sẽ có hành động đáp trả thích đáng với thủ phạm gây ra tội ác, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch sơ tán và rút lực lượng Mỹ theo hạn chót là ngày 31/8. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc hoàn tất kế hoạch rút quân này đang phải đối mặt với nhiều rủi ro và áp lực nghiêm trọng.
Ngay sau vụ tấn công, chi nhánh Afghanistan của Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã chính thức lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành các vụ tấn công tương tự trong thời gian tới. Trong khi đó, Đại tướng Kenneth McKenzie, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm của Mỹ cũng cảnh báo rằng, nguy cơ xảy ra thêm nhiều cuộc tấn công tương tự tại khu vực sân bay Hamid Karzai, là rất cao.
Nhân viên y tế chuyển người bị thương trong vụ nổ bên ngoài sân bay quốc tế ở Kabul, Afghanistan. Ảnh: Aljazeera/TTXVN |
Về phần mình, Taliban chưa đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy lực lượng này sẽ nhượng bộ đối với kế hoạch rút quân của Mỹ. Hôm 24/8, Phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid nêu rõ: chiến dịch sơ tán người nước ngoài tại sân bay Hamid Karzai sẽ được xem là vi phạm thỏa thuận, nếu tiếp diễn sau hạn chót là ngày 31/8. Trước đó, hôm 23/8, một phát ngôn viên khác của Taliban là Suhail Shaheen cũng cảnh báo rằng liên quân quốc tế sẽ phải trả giá nếu vi phạm thỏa thuận rút quân.
Chiến sự và nguy cơ khủng hoảng nhân đạo
Trong bối cảnh đó, phong trào phản kháng chống Taliban với thành trì là lực lượng vũ trang đối nghịch ở thung lũng Panjshir, tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng. Hiện tại, lực lượng này có quân số từ khoảng vài nghìn đến hơn chục nghìn tay súng, trong đó chủ yếu là các binh sỹ quân Chính phủ. Phong trào được dẫn dắt bởi ông Ahmad Massoud, con trai một cựu thủ lĩnh Liên minh phương Bắc chống Taliban. Phó Tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh, người đã tuyên bố là Tổng thống lâm thời sau khi Tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi đất nước hôm 15/8, cũng đang có mặt tại thung lũng Panjshir. Panjshir là khu vực duy nhất tại Afghanista mà Taliban chưa thể kiểm soát, tương tự như trong giai đoạn nhóm này cầm quyền trước đây (1996-2001).
Taliban hôm 23/8 thông báo đã điều hàng trăm chiến binh tới khu vực thung lũng Panjshir để trấn áp lực lượng chống đối. Mặc dù cho đến nay, chưa có bất kỳ thông tin nào về các cuộc giao tranh xảy ra giữa Taliban và lực lượng kháng chiến ở khu vực Panjshir, song khả năng xảy ra giao tranh giữa hai bên được cho là khó tránh khỏi.
Chiến sự bùng nổ sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo mà người dân Afghanistan đang phải đối mặt. Sau nhiều năm nội chiến, cộng thêm tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế Afghanistan gần như rơi vào tình trạng kiệt quệ, người dân thiếu lương thực trầm trọng. Theo Liên hợp quốc, gần 18 triệu người (gần một nửa dân số Afghanistan) đang cần hỗ trợ nhân đạo. Hơn thế, giao tranh kéo dài còn có nguy cơ lôi kéo hoặc ảnh hưởng tới các quốc gia trong khu vực, chủ yếu liên quan đến vấn đề người tỵ nạn.
Trước thực tế này, nhiều quốc gia và tổ chức liên tiếp kêu gọi tìm kiếm giải pháp chính trị cho Afghanistan. Trong đó, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell hôm 24/8 nhấn mạnh rằng, cần phải đối thoại với Taliban càng sớm càng tốt, nhằm ngăn chặn thảm họa nhân đạo và di trú ở Afghanistan.