Ai Cập: Khó khăn chất chồng

 Ai Cập: Khó khăn chất chồng - ảnh 1
 Vụ đụng độ ở Ai Cập khiến 74 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương được đánh giá là nghiêm trọng nhất từ năm 1996

(VOV5) Những diễn biến bất ổn tại Ai Cập trong mấy ngày gần đây cùng con số thương vong tăng cao kỷ lục đang khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Khả năng quản ký yếu kém của chính quyền quân sự hiện tại hay có kịch bản được dàn dựng đằng sau các cuộc biểu tình, bạo động này? Câu hỏi còn chưa có lời giải, chỉ biết rằng đất nước Ai Cập đang chìm trong bạo lực, xung đột đẫm máu, niềm tin của người dân vào chính quyền hiện tại ngày một lung lay, báo hiệu những diễn biến xấu về chính trị, xã hội trong những ngày tới.

Kể từ khi chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ, nhiều tháng qua, Ai Cập liên tục chìm trong các cuộc biểu tình, bạo loạn. Đỉnh cao của nó, mâu thuẫn làm "tràn ly" chính là cuộc bạo loạn sân cỏ, hôm 1/2 vừa qua, khiến khoảng 80 người thiệt mạng và hơn 1.000 người khác bị thương. 4 ngày liên tiếp sau đó, thủ đô Cairo và nhiều thành phố lớn khác ở quốc gia này, người dân đã xuống đường rầm rộ để phản đối chính quyền quân sự mới hiện nay không đủ năng lực để gánh vác, mang lại yên bình cho xứ Kim Tự Tháp.

Sau thảm kịch, dư luận cho rằng, có quá nhiều bằng chứng cho thấy đây là một cuộc bạo loạn có tổ chức từ trước. Hàng trăm cổ động viên với dao, kiếm trong tay tràn vào sân cỏ trước một lực lượng an ninh không nhỏ, trong khi các cánh cửa thép ở sân vận động đều bị đóng chặt, đèn sân vận động tắt đã khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu vụ bạo động có phải là kịch bản mà quân đội vẽ ra hay không? Theo một băng ghi hình do những nhân chứng tại sân cỏ cung cấp, cảnh sát trong sân vận động đã đứng yên khi cuộc hỗn chiến bùng phát. Một số nguồn tin còn cho biết khoảng 600 người trú ẩn bên ngoài sân vận động Port Said đã được nhận tiền để phá trận đấu. Dấu hiệu bất thường cũng xuất hiện từ trước khi trận đấu diễn ra, đó là cảnh sát không hề kiểm tra các cổ động viên khi họ vào sân vận động...

Những nghi ngờ này hoàn toàn có cơ sở. Trước hết, nhìn lại các cuộc biểu tình lật đổ chế độ của cựu tổng thống Hosni Mubarak năm ngoái, có thể thấy rằng chính mạng lưới cổ động viên của 2 đội bóng đá này là lực lượng xung kích của lực lượng nổi dậy. Khi cách mạng nổ ra, họ gạt những khác biệt sang một bên để cùng nhau chống chế độ phi dân chủ và họ đã thành công khi góp sức lật đổ chính quyền của cựu tổng thống Mubarak hồi tháng 2/2011. Tuy nhiên, sự chuyển giao quyền lực quá chậm chạp từ chính quyền quân sự lâm thời khiến cho những người này cảm thấy mệt mỏi và không thỏa mãn và đây chính là nguyên nhân khiến các cuộc biểu tình, bạo loạn liên tiếp xảy ra. Để đập tan sự kháng cự của lực lượng chống đối tiềm năng với chính quyền quân đội hiện tại, làm suy giảm mức độ nổi tiếng của giới cổ động viên cứng đầu này, thể thao đã trở thành một cái cớ để hội đồng quân sự Ai Cập đứng đằng sau đạo diễn cuộc bạo loạn đẫm máu này. Trước làn sóng chỉ trích, Chủ tịch Hội đồng quân sự tối cao Mohamed Hussein Tantawi cam kết lập ủy ban điều tra, trừng phạt những người có liên quan và bồi thường cho các nạn nhân, đồng thời khẳng định sẽ không để sự cố này hủy hoại tiến trình chuyển tiếp chính trị.

Dù cuộc tranh cãi về việc liệu vụ bạo động có liên quan đến chính trị hay không đến nay vẫn chưa ngã ngũ nhưng vấn đề đó đã không còn quan trọng nữa. Thay vào đó là một sự phẫn nộ của mọi tầng lớp trong xã hội Ai Cập, từ những người biểu tình đến các nghị sĩ. Sau thảm kịch Port Said, niềm tin trong việc kiểm soát an ninh của quân đội sụp đổ, đông đảo người dân lại đổ xuống đường phố để biểu tình, xung đột với cảnh sát, biến thủ đô thành chiến trường suốt mấy ngày qua. Người biểu tình ném gạch đá về phía cảnh sát, trong khi cảnh sát cố gắng giải tán đám đông bằng hơi cay và đã có thêm 9 người thiệt mạng và hơn 2000 người khác bị thương. Những người biểu tình yêu cầu chính quyền quân sự tiến hành cuộc bầu cử sớm và nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự. Sự bất ổn chính trị đang ngự trị tại Ai Cập cũng là hậu quả gây nên tình trạng tội phạm gia tăng. Tại Al Arich ở phía bắc Sinai, những người vô danh hôm 5/2 đã làm nổ đường ống dẫn khí đốt cung cấp cho phía đông bán đảo Ai Cập cũng như Israel và Jordanie và đây là lần thứ 12 chỉ trong vòng 1 năm.

Trước làn sóng biểu tình đang gia tăng, hiện tại, một hội đồng dân sự do quân đội bổ nhiệm đã được thành lập, dự kiến sẽ đề cử các ứng cử viên tổng thống từ 23/2 tới, sớm hơn gần 2 tháng so với thời hạn 15/4. Điều này đồng nghĩa với việc cuộc bầu cử tổng thống có thể diễn ra sớm hơn, dự kiến vào tháng 4 hoặc tháng 5 tới, thay vì vào tháng 6 như trước đây. Theo các nhà phân tích, nếu chính quyền quân sự lâm thời tiến hành chuyển giao quyền lực quá chậm chạp, Ai Cập sẽ còn phải chứng kiến nhiều cuộc xung đột mới./.

Ánh Huyền

 

Phản hồi

Các tin/bài khác