(VOV5)-Đúng ba ngày sau lễ kỷ niệm một năm lên nắm chính quyền, Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi, vị Tổng thống dân sự đầu tiên ở quốc gia Hồi giáo Bắc Phi, đã bị quân đội lật đổ. Tình huống này khá bất ngờ bởi diễn biến nhanh chóng của nó đồng thời nhiều khả năng đẩy quốc gia Bắc Phi vào nội chiến và xung đột phe phái.
|
Tổng thống bị lật đổ Morsi (Ảnh: AP) |
Trong khi các nhà phân tích còn đang phán đoán các kịch bản cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập thì ngày 3/7, người đứng đầu lực lượng vũ trang Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã ra tuyên bố đình chỉ Hiến pháp và bổ nhiệm Chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao Adli Mansour làm lãnh đạo lâm thời của nước này. Vị Chánh án này sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời trong ngày hôm nay, 4/7. Tướng al-Sisi cũng kêu gọi tiến hành bầu cử Tổng thống và Quốc hội trước thời hạn, thành lập một Ủy ban sửa đổi hiến pháp và Ủy ban hòa giải dân tộc. Theo ông al-Sisi, một chính phủ mạnh và có năng lực có thể được thành lập với tư cách đầy đủ. Cùng với việc phế truất Tổng thống, lực lượng an ninh Ai Cập đã đưa ra lệnh bắt giữ đối với 300 nhân vật thuộc phong trào Anh em Hồi giáo. Đài truyền hình của tổ chức này đã bị ngưng phát sóng và những người quản lý bị bắt giữ. Trong khi đó, theo truyền thông địa phương, Tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi cũng đã bị đưa đến trụ sở cơ quan tình báo quân đội.
Tình hình diễn ra nhanh chóng khi trước đó, ngày 1/7, quân đội Ai Cập ra tối hậu thư cảnh báo sẽ can thiệp và đề xuất lộ trình chính trị riêng cho đất nước nếu các lực lượng chính trị trong nước không đáp ứng các yêu cầu của nhân dân trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, Tổng thống Mohamed Morsi từ chối cơ hội mà quân đội trao cho mình, cùng với đó lực lượng Hồi giáo đã phát động một cuộc phản đối lớn trên khắp cả nước nhằm ủng hộ tính hợp Hiến của ngôi vị Tổng thống.
|
Các thành viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo và những người ủng hộ Tổng thống Morsi biểu tình phản đối sau tuyên bố phế truất tổng thống của Quân đội Ai Cập. - Ảnh: Reuter
|
Đúng như lo ngại của các nhà phân tích, trong khi các cuộc tham vấn về việc thành lập chính phủ mới tại nước này bắt đầu thì xung đột đã xuất hiện. Tổ chức Anh em Hồi giáo ra tuyên bố mô tả việc quân đội phế truất Tổng thống Morsi là hành động phản bội lại cuộc cách mạng và hàng triệu người dân Ai Cập tin vào dân chủ. Trong khi đó, những người ủng hộ và phản đối Tổng thống Morsi đã đụng độ tại thành phố Alexandria. Theo một quan chức an ninh, đã có người thiệt mạng và bị thương khi đụng độ với quân đội và cảnh sát. Nếu tình hình này tiếp tục leo thang sẽ khiến lộ trình thành lập chính quyền mới do quân đội đặt ra khó hoàn thành.
|
Hàng trăm nghìn người tập trung biểu tình phản đối Tổng thống Ai Cập Morsi - Ảnh: Reuter |
Diễn biến mới trên chính trường Ai Cập khiến phương Tây quan ngại. Từ châu Âu, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu phụ trách đối ngoại, bà Catherine Ashton, kêu gọi các bên ở Ai Cập nhanh chóng trở lại tiến trình dân chủ, tiến hành bầu cử Tổng thống và Quốc hội tự do, công bằng. Ngoại trưởng Anh William Hague hối thúc các bên kiềm chế, tránh bạo lực. Ông phản đối việc can thiệp quân sự nhằm thay đổi chế độ song không gọi vụ việc ở Cairo là đảo chính. Trong một tuyên bố được phát đi từ Nhà Trắng, Tổng thống Barak Obama kêu gọi quân đội Ai Cập nhanh chóng bàn giao quyền lực cho chính phủ dân sự nhanh nhất có thể. Tuy nhiên Mỹ từ chối phê phán hành động của quân đội Ai Cập và ra lệnh sơ tán bắt buộc đối với nhân viên Đại sứ quán nước này ở Cairo. Tổng thống Obama cũng yêu cầu bộ máy hành chính của mình xem xét việc hỗ trợ của Mỹ cho chính phủ Ai Cập.
Trái ngược với quan ngại của phương Tây, trong phản ứng mới nhất, các nước vùng Vịnh ngày 3/7 đã hoan nghênh việc quân đội Ai Cập lật đổ vị Tổng thống người Hồi giáo Morsi. Quốc vương Arab Saudi Abdullah đã gửi bức thông điệp chúc mừng tới ông Adli Mansour được bổ nhiệm làm lãnh đạo lâm thời của nước này. Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất UAE cũng hoan nghênh lực lượng vũ trang Ai Cập cũng như những thay đổi ở nơi đây.
Tình hình Ai Cập trong những ngày tới chắc chắn sẽ còn nhiều biến động. Hơn 80 triệu người dân Ai Cập vốn phải đối mặt với nền kinh tế trì trệ nay lại tiếp tục sống trong tình hình chính trị bất ổn. Xem ra, việc thoát khỏi nội chiến và xung đột phe phái ở quốc gia Bắc Phi này vẫn là viễn cảnh xa vời./.