(VOV5) - Thượng tôn pháp luật, tuân thủ luật pháp quốc tế là điều quan trọng nhất trong thế giới ngày nay đối với mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ.
Việc tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng biển Việt Nam tiếp tục khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ và lên án. Hành động này của Trung Quốc không chỉ đặt ra nhiều nguy cơ đối với khu vực và quốc tế, mà còn đem lại bất lợi cho chính quốc gia này.
Sau khi cái gọi là “đường 9 đoạn dựa trên chứng cứ lịch sử” của Trung Quốc bị Tòa Trọng tài Quốc tế ra phán quyết là vô giá trị hồi năm 2016, Trung Quốc tiếp tục đưa ra một cách diễn giải mới nhằm hợp thức hóa yêu sách chủ quyền phi lý của mình. Với việc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc muốn biến vùng không tranh chấp nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành vùng biển có tranh chấp, gia tăng hành động can thiệp vào các hoạt động kinh tế biển hợp pháp của các quốc gia ven biển láng giềng, hòng thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Tàu kiểm ngư Việt Nam tuần tra tại Biển Đông - Nguồn TTXVN |
Trung Quốc và chiến thuật sẵn sàng leo thang căng thẳng
Theo ông Lucio Blanco Pitlo, nhà nghiên cứu tại Quỹ Con đường Phát triển châu Á-Thái Bình Dương và Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc của Đại học Philippines, trên thực tế, Trung Quốc đang gia tăng hành động can thiệp vào các hoạt động kinh tế biển hợp pháp của các quốc gia ven biển láng giềng, không chỉ là Việt Nam mà còn một số nước khác như Philippines, Malaysia và Indonesia. Trung Quốc cũng tìm cách gây áp lực lên các công ty, tập đoàn nước ngoài để buộc họ dừng các hoạt động khai thách không chỉ ở khu vực “Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc ngang nhiên đưa ra yêu sách chủ quyền mà còn ở cả những vùng biển lân cận. Tuyên bố của Trung Quốc là hoàn toàn phi pháp, không có gì bất ngờ và không có giá trị:
"Cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận được những yêu sách phi lý của Trung Quốc dù đó là “đường 9 đoạn” hay cái gọi là “Tứ Sa”. Trung Quốc cứ đưa ra yêu sách của mình và không quan tâm đến phản ứng của cộng đồng quốc tế. Việc Trung Quốc điều các tàu thăm dò tiến sâu vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam rõ ràng đã vi phạm nghiêm trọng UNCLOS và luật pháp Việt Nam. Qua việc này Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng leo thang căng thằng và chấp nhận những rủi ro lớn hơn thông qua hành động của mình."
Năm 2016, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố rằng khu vực Scarborough của Philippines “thuộc” Trung Sa của họ và bị Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) ra phán quyết là vô giá trị. Phán quyết của Tòa án PCA năm 2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc hoàn toàn tuân theo quy định của Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS 1982), thống nhất cách diễn giải và áp dụng công ước này ở Biển Đông.
Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, khẳng định: "Thứ nhất, việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam là không thể chấp nhận được. Thứ hai, phán quyết của Tòa Trọng tài 2016 là để diễn giải vào việc áp dụng và hiểu Công ước Luật Biển như thế nào. Cho nên phán quyết này sẽ là một bộ phận của Luật pháp Quốc tế. Bất cứ hành động nào trái với luật pháp quốc tế đều bị bác bỏ."
Chiến thuật có thể gây phản tác dụng
Việc Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gia tăng hành động can thiệp vào các hoạt động kinh tế biển hợp pháp của Việt Nam là nhằm âm mưu biến vùng không tranh chấp nằm sâu trong lãnh thổ của Việt Nam thành vùng biển có tranh chấp. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia, chiến thuật này của Bắc Kinh có thể gây phản tác dụng. Trước hết, điều đó có thể khiến cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm, gia tăng ủng hộ các quốc gia ven biển nhằm ngăn chặn các tham vọng của Trung Quốc. Thêm nữa, hành vi của Trung Quốc càng khiến ASEAN thêm quyết tâm đẩy lùi nỗ lực của Trung Quốc ngăn cản các tập đoàn nước ngoài làm ăn với các quốc gia ven biển trong khu vực.
Ông Lucio Blanco Pitlo cho rằng: "Những hành động của nước này ở Biển Đông không chỉ gây tổn hại đến lợi ích của chính Trung Quốc mà còn cả mong muốn hòa bình và ổn định trong khu vực. Nếu Trung Quốc lo ngại về các hoạt động hợp tác khai thác thương mại trên biển có thể gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc thì nước này cũng cần nhận thức rằng, ASEAN cũng hết sức quan ngại về việc mất đi quyền tự chủ và bị phụ thuộc quá mức vào một cường quốc nào đó. Trung Quốc cần phải để các nước láng giềng xem xét, cân nhắc các đề xuất của mình hoặc hợp tác với Trung Quốc theo phương thức “đôi bên cùng có lợi” chứ không phải ép họ phải theo ý của mình bằng cách gây áp lực và o ép như hiện nay."
Thượng tôn pháp luật, tuân thủ luật pháp quốc tế là điều quan trọng nhất trong thế giới ngày nay đối với mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ. Là nước lớn, Trung Quốc càng phải có trách nhiệm đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh khu vực, bao gồm việc tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS. Việt Nam và ASEAN luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, cùng nỗ lực phấn đấu cho hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực. Trung Quốc luôn nói vươn lên hòa bình, muốn hợp tác và làm đối tác với các nước và đây là lúc Trung Quốc phải chứng tỏ điều đó. Tuy nhiên, những hành động của Trung Quốc hiện nay đang đi ngược lại những gì Trung Quốc đã nói, làm xói mòn lòng tin và tạo ra nhiều hệ lụy đối với khu vực và quốc tế.