(VOV5) - Hơn nửa năm đã qua, kể từ khi Washington tổ chức lễ hạ cờ, ngày 15-12, đánh dấu chấm dứt sứ mệnh gần 9 năm của mình tại Iraq, đến nay, an ninh của quốc gia này vẫn là dấu hỏi lớn. Những lo ngại của cộng đồng quốc tế về cuộc tranh giành quyền lực tại Iraq khi quân Mỹ rút đi, hay câu hỏi về sự trỗi dậy của các phần tử khủng bố lại được khơi lại khi dư luận chứng kiến những gì vừa diễn ra tại quốc gia Trung Cận Đông này”.
Ngày 23/7, toàn lãnh thổ Iraq đã bị rung lắc dữ dội bởi các vụ đánh bom liên hoàn, cướp đi sinh mạng của 91 người và làm 161 người bị thương, trở thành ngày đẫm máu nhất ở Iraq trong hơn hai năm qua, kể từ tháng 5/2010. Vụ bạo lực đẫm máu nhất xảy ra tại thị trấn Taji, cách thủ đô Baghdad chỉ 25 km về phía Bắc, gồm một vụ tấn công liều chết và một số vụ đánh bom ven đường khiến 18 người thiệt mạng và 29 người bị thương. Còn tại thị trấn Dhuluiyah thuộc tỉnh Salahudin, cách thủ đô Baghdad 80 km về phía Bắc, các tay súng chưa rõ danh tính được trang bị vũ khí hạng nặng đã tấn công một căn cứ quân sự tại đây, làm 15 binh sĩ và 2 thành viên nhóm thân chính phủ Sahwa thiệt mạng. Một nhóm khác cũng tấn công một trạm kiểm soát của nhóm thân chính phủ Sahwa ở ngoại ô thành phố Samarra, cách Baghdad 110 km về phía Bắc, làm 2 binh sĩ thiệt mạng và 3 người khác bị thương. Trong khi đó, hàng loạt vụ đánh bom và xả súng ngay tại thủ đô Baghdad và nhiều địa phương ở miền Bắc Iraq như Saadiyah, Khan Beni Saad, Kirkuk, Tuz Khurmatu và Dibis, đã làm 45 người thiệt mạng và ít nhất 74 người bị thương... Chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về các vụ tấn công này, thế nhưng trước đó, nhóm bình phong của al-Qaeda ở Iraq đã cảnh báo đang tìm cách tái chiếm vùng lãnh thổ thuộc quốc gia này.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên quốc gia này xảy ra đánh bom, xung đột. Trong thời điểm quân Mỹ đồn trú các vụ tấn công khủng bố đã diễn ra, tuy nhiên, ngay sau khi lính Mỹ cuối cùng rời khỏi quốc gia này, các vụ tấn công tiếp diễn với mức độ, cường độ ngày một mạnh mẽ. Cụ thể như ngày 22/7, tại thị trấn Mahmudiya cách thủ đô Baghdad 30km về phía Nam, đã xảy ra 3 vụ đánh bom xe liên tiếp làm 11 người thiệt mạng và 38 người bị thương. Hay như tháng trước, theo thống kê, các vụ tấn công bằng bom đã làm ít nhất 237 người thiệt mạng và 603 người khác bị thương, khiến tháng 6 trở thành một trong những tháng đẫm máu nhất ở Iraq kể từ khi quân Mỹ rút đi. Tuyên bố trên trang web của mình, nhóm phiến quân có tên "Nhà nước Hồi giáo Iraq", có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda, đã thừa nhận gây ra 40 vụ tấn công đẫm máu tại Iraq. Các vụ đánh bom, xả súng đều nhằm vào người hành hương Hồi giáo dòng Shiite và lực lượng an ninh Iraq...
Rõ ràng, bất chấp những nỗ lực của chính phủ và lực lượng an ninh Iraq nhằm duy trì trật tự tại quốc gia Vùng Vịnh này, bạo lực không ngừng gia tăng khiến dư luận đặt câu hỏi về năng lực của chính quyền Baghdad trong việc điều hành đất nước. Tuy nhiên, với giới quan sát, theo dõi những diễn biến của quốc gia này thì có bình luận khác. Đó chính là sự mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ khiến chính trường nước này khó có thể tìm tiếng nói chung trong việc điều hành đất nước. Ngay khi quân đội Mỹ rút đi đã để lại một Iraq "tan đàn xẻ nghé", thúc đẩy động cơ mang tính bè phái muốn chia cắt quốc gia Trung Cận Đông này thành ba, cho người Kurd các tỉnh miền Bắc nhiều dầu khí, người Cơ đốc giáo và người Hồi giáo dòng Sunni các tỉnh miền Trung và phần còn lại cũng nhiều dầu khí ở miền Nam dành cho người Hồi giáo dòng Shiite. Cách đây không lâu, 4 tỉnh miền Trung gồm Salah al-din, Diyala, Anbar và Nineveh đã hô hào thành lập quốc gia độc lập của người Hồi giáo dòng Sunni vì "chính phủ trung ương do những người Hồi giáo dòng Shiite thống trị không quan tâm tới lợi ích, đối xử với họ như những công dân hạng hai".
Mới đây, ngày 19/6, Tòa án hình sự trung ương Iraq đã nối lại phiên xét xử Phó Tổng thống đang bỏ trốn Tariq al-Hashimi, chính khách hàng đầu của khối Iraqiya dòng Sunni tại Quốc hội Iraq, với các cáo buộc giết người. Việc giở lại phiên tòa gây nhiều "tai tiếng" này đã phản ánh mâu thuẫn thực tại trong nội bộ của chính quyền Baghdad. Còn nhớ, hồi cuối năm ngoái, Hội đồng Thẩm phán Tối cao Iraq đã phát lệnh bắt ông Tareq al-Hashemi và điều này đã gây ra những phản ứng khác nhau trong nội bộ quốc gia vùng Vịnh này. Bởi trước đó, khối chính trị của người Sunni đã tuyên bố tẩy chay quốc hội nhằm phản đối Thủ tướng Nuri al-Maliki chậm trễ trong giải quyết những bế tắc chính trị khi hướng tới thành lập một chính phủ chia sẻ quyền lực giữa các cộng đồng Sunni, Shiite và Kurd.
Mâu thuẫn quyền lực chưa giải quyết triệt để đã và đang là mảnh đất màu mỡ cho các phần tử khủng bố thâm nhập, lợi dụng. Sự việc vừa diễn ra là một minh chứng cụ thể. Chắc chắn, trong tương lai, người dân Iraq chưa thể hy vọng có được sự yên bình toàn vẹn khi mà cuộc chiến quyền lực vẫn đang ở giai đoạn cao trào, chưa có dấu hiệu lắng dịu trong tương lai gần./.