(VOV5) - Các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 1 Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Đây là chuỗi hoạt động mở màn có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần định hướng hoạt động cho cả năm APEC 2017 mà Việt Nam đăng cai tổ chức. Với chủ đề xuyên suốt là "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung", APEC 2017 sẽ tạo ra bước chuyển mới cho tăng trưởng, thương mại và đầu tư trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang thay đổi thế giới một cách nhanh chóng, những biến động và thách thức gia tăng đã tác động sâu rộng, đa chiều đến tất cả các nền kinh tế trên thế giới.
Theo thống kê, năm 2016, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng năm 2008 -2009, chỉ đạt 2,2%. Bên cạnh đó, thành quả của toàn cầu hóa không được phân chia đồng đều giữa các khu vực, các nền kinh tế dẫn tới xu hướng phản đối tự do hóa thương mại gia tăng mạnh mẽ ở nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt ở các nền kinh tế lớn tại Mỹ và châu Âu. Các quốc gia có xu hướng áp dụng chính sách bảo hộ. Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu lại thiếu đi sự lãnh đạo để ngăn chặn xu hướng thương mại tự do. Chính vì vậy, chủ đề của năm APEC 2017 là "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung", đã phản ánh ý nguyện chung của 21 nền kinh tế thành viên APEC, nhằm tạo thêm động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh mới.
Để APEC hợp tác hiệu quả, thiết thực hơn
Trong bối cảnh trong nước và quốc tế đã thay đổi nhanh chóng, bên cạnh những ưu tiên mà Việt Nam đặt trọng tâm là APEC 2017 thúc đẩy tiến trình phát triển, hợp tác APEC thiết thực và hiệu quả hơn, hoàn tất các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, Việt Nam cũng cùng các nền kinh tế thành viên hướng trọng tâm vào thúc đẩy tăng trưởng bền vững và sáng tạo, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trong kỷ nguyên số, nhất là doanh nghiệp do nữ lãnh đạo, tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách; tăng cường an ninh lương thực, thúc đẩy cộng đồng tự cường.
|
Trưởng phái đoàn các quan chức cấp cao (SOM) APEC của Peru Raul Salaza (nguồn: APEC 2016)
|
Trưởng phái đoàn các quan chức cấp cao (SOM) APEC của Peru Raul Salazar, cho rằng: "Những định hướng ưu tiên lần này là rất quan trọng. Vấn đề đầu tiên là việc ứng dụng các sáng kiến và công nghệ mới. Tôi cho rằng Việt Nam lựa chọn vấn đề này là rất đúng đắn vì đó là cách chúng ta giúp xã hội phát triển theo hướng toàn diện hơn. Chúng tôi cũng đánh giá cao việc Việt Nam đặt hướng ưu tiên trọng tâm vào thị trường lương thực vì điều này rất quan trọng đối với các nền kinh tế mới".
Những hướng ưu tiên của Năm APEC 2017 mà Việt Nam nêu ra đã đáp ứng trúng và đúng những vấn đề của bối cảnh kinh tế toàn cầu mà tất cả các nền kinh tế thành viên quan tâm. Do vậy, những định hướng ưu tiên này nhanh chóng nhận được sự đồng thuận trong APEC. Có thể thấy rõ sau hai cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, việc tìm ra những động lực tăng trưởng mới là hết sức quan trọng. Mà một trong những động lực mới đó là nâng cao năng lực của các doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Vì vậy, việc Việt Nam sáng kiến tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách với các doanh nghiệp do nữ làm chủ trong khuôn khổ Năm APEC 2017 nhận được sự đồng thuận và quan tâm lớn của các nền kinh tế thành viên APEC, cho rằng đây sẽ là bước ngoặt mới, góp phần thúc đẩy vai trò phụ nữ nói chung trong kỷ nguyên số nói chung và trong phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nói riêng.
|
Ông Allan Boollard, Giám đốc Điều hành Ban thư ký APEC quốc tế (nguồn: APEC 2016) |
Ông Allan Boollard, Giám đốc Điều hành Ban thư ký APEC quốc tế, cũng cho rằng: "APEC mong đợi sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động. Trong những cuộc trao đổi, APEC đã đề cập đến các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ, cũng như làm thế nào sự phát triển của khu vực được bao trùm và con đường đối với APEC là phải tập trung để hỗ trợ các nền kinh tế chưa phát triển trong khu vực để tận dụng nguồn lực từ phụ nữ và doanh nghiệp nhỏ. Thực tế đã có nhiều câu chuyện thành công của các phụ nữ có nguồn tài chính phục vụ các dự án, hay huy động vốn từ internet…".
Cơ hội để Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh
APEC 2017, bên cạnh cơ hội quảng bá đất nước, thu hút du lịch, tìm được đối tác, Việt Nam có thêm điều kiện để thiết lập quan hệ kinh doanh với các đối tác hàng đầu ở khu vực. Khoảng 1.000 doanh nghiệp quốc tế tại các nước thành viên APEC vào Việt Nam dịp Hội nghị cấp cao APEC đem đến nhiều cơ hội mới.
|
Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Doanh nhân APEC (ABAC) Việt Nam (Nguồn: VCCI) |
Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Doanh nhân APEC (ABAC) Việt Nam, khẳng định: "Từ 2016 tới nay, Việt Nam hợp tác ngày càng sâu rộng với các đối tác quốc tế, đặc biệt là với các thành viên APEC. Cùng với sự hợp tác đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng ngày càng phát triển. Lần đăng cai APEC 2017 này là cơ hội cho Việt Nam tìm luồng đầu tư mới, đem lại giá trị thặng dư cao hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, vốn có tới 98% thành phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa".
Năm APEC 2017 mới chỉ bắt đầu. Với chủ đề và những định hướng xuyên suốt, APEC 2017 hứa hẹn sẽ tạo bước chuyển mới cho tăng trưởng, thương mại và đầu tư, đưa APEC thực sự trở thành đầu tầu thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.