APEC 2017: Tiền đề thúc đẩy hoàn thành mục tiêu Bogor vào năm 2020

(VOV5) - Hoàn thành mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư là một trong những quan tâm hàng đầu của các nền kinh tế thành viên APEC. Trong Hội nghị các quan chức cao cấp APEC 2017 lần thứ nhất (SOM1) và các hội nghị liên quan, tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, các đại biểu đã thể hiện sự quan tâm đến vấn đề này và có các cuộc thảo luận nghiêm túc, đồng thời bày tỏ mong đợi năm APEC 2017 sẽ đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến để thúc đẩy quá trình này.


Chỉ còn 3 năm nữa, tức là vào năm 2020, APEC sẽ phải hoàn thành Mục tiêu Bogor được các nền kinh tế thành viên nhất trí từ năm 1994. Theo đó, APEC được xác định trở thành khu vực tự do và mở cửa về thương mại và đầu tư trong tương lai. Mục tiêu Bogor đề ra lộ trình đối với các thành viên phát triển là năm 2010 và các thành viên đang phát triển là đến năm 2020.


Thách thức mà mục tiêu Bogor gặp phải

Hiện tại, mục tiêu Bogor đã hoàn thành xong giai đoạn đầu tiên. Tuy nhiên giai đoạn sau của Mục tiêu này đang gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là do tính đa dạng và phức tạp của khu vực với các nước có cơ cấu kinh tế cũng như trình độ phát triển rất khác nhau. Vì vậy, những ưu tiên phát triển kinh tế cũng như cách đề cập đối với các lĩnh vực hợp tác của các thành viên cũng khác nhau. Thứ hai là, do tính chất không bắt buộc của các cam kết nên trong quá trình thực hiện tự do hoá thương mại và đầu tư, hợp tác kỹ thuật, sẽ nảy sinh những khó khăn và bất đồng. Cuối cùng là các yếu tố phi kinh tế như văn hoá, lịch sử, môi trường, an ninh... cũng sẽ có những tác động nhất định đến hợp tác kinh tế giữa các thành viên cũng như tiến trình tự do hoá thương mại và đầu tư ở khu vực. Tiến sỹ Alan Bolard, Giám đốc Ban thư ký APEC quốc tế cho biết tiến trình thực hiện Mục tiêu Bogor đang chậm lại. Tuy nhiên, ông Alan cũng khẳng định mặc dù còn rất nhiều thách thức, nhưng APEC vẫn sẽ không từ bỏ quyết tâm thực hiện Mục tiêu Bogor đúng thời hạn: Trong nhiều năm nay, quá trình thực hiện Mục tiêu Bogor tương đối khó khăn và có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, đây là mục tiêu hàng đầu của APEC, với sự đồng thuận của các nền kinh tế thành viên hướng tới một môi trường thương mại tự do và mở cửa. Chính vì vậy, APEC vẫn đang nỗ lực hết sức từ cải cách thể chế , cơ chế, hợp tác biên giới…để hoàn thành mục tiêu này một cách thành công dù còn rất nhiều vấn đề chuyên môn cần phải thảo luận.

APEC 2017: Tiền đề thúc đẩy hoàn thành mục tiêu Bogor vào năm 2020 - ảnh 1
Tiến sĩ Alan Bollard (trái) trong cuộc gặp gỡ báo chí trước thềm SOM 1. Nguồn: APEC



Tiến sỹ Alan cũng đặt nhiều hy vọng vào các cuộc họp trong khuôn khổ năm APEC 2017 tại Việt Nam, các thành viên của APEC sẽ đưa ra được nhiều sáng kiến, giải pháp tích cực, góp phần đẩy nhanh quá trình hoàn thành Mục tiêu Bogor.


APEC 2017 hướng tới thúc đẩy mục tiêu Bogor

Mục tiêu Bogor mặc dù không phải là trọng tâm của năm APEC 2017 mà Việt Nam là nước chủ nhà, song 4 ưu tiên mà Việt Nam đề xuất cũng mang những nội hàm tạo thuận lợi hóa cho thương mại và đầu tư, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế thành viên, tạo động lực để các nền kinh tế có xuất phát điểm thấp tăng trưởng bền vững hơn.  Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, các ưu tiên của Việt Nam trong năm 2017 được đánh giá là sáng tạo, bởi đã hiện thực hóa việc đưa các chính sách của APEC từ trên bàn làm việc của các nhà lãnh đạo xuống từng doanh nghiệp, từng người dân: Việt Nam muốn mục tiêu này cụ thể ở hai cấp độ: đó là ý tưởng, chính sách, sự hợp tác và chia sẻ. Cái thứ hai quan trọng nhất của APEC là không phải câu chuyện ở trên trời, hay chỉ là câu chuyện của các nhà hoạch định chính sách nói chuyện với nhau mà cuối cùng chuyển thành sự vận động của thị trường, sự vận động của xã hội, sự vận động của doanh nghiệp, gắn với thực tế đang diễn ra để làm sao sự năng động của APEC, cái thực tiễn và cơ hội ấy gắn với từng người dân từng doanh nghiệp.

APEC 2017: Tiền đề thúc đẩy hoàn thành mục tiêu Bogor vào năm 2020 - ảnh 2
Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN




Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí hồi đầu năm nay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh: "Về mục tiêu Bogor, Việt Nam làm chủ nhà APEC vào giai đoạn hết sức quyết định, đó là hoàn thành các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại, đầu tư đến năm 2020. Điều quan trọng hơn là tại APEC 2017, chúng ta sẽ cùng các thành viên xây dựng tầm nhìn sau năm 2020, tức là đi vào giai đoạn thập kỷ thứ 4 hình thành APEC từ năm 1989 đến nay. Thực hiện được mục tiêu Bogor, vậy gì điều gì xảy ra sau Bogor”.



Năm APEC 2017 mới bắt đầu, còn rất nhiều các cuộc thảo luận, đối thoại về tương lai phát triển của APEC sẽ diễn ra trong năm nay. Với sự đồng thuận và quyết tâm của các nhà lãnh đạo APEC và là cương vị là nước chủ nhà, Việt Nam cũng làm hết sức mình để cùng các thành viên thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thành các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020; chung tay xây dựng tầm nhìn liên kết khu vực trong giai đoạn phát triển mới. Đây là nền tảng quan trọng để cùng tạo dựng quan hệ Đối tác châu Á - Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác