(VOV5) - ASEAN đã có nhiều nỗ lực nhằm quản lý quan hệ với các nước lớn và các đối tác dưới nhiều hình thức khác nhau...
Sáng nay (6/9), Hội nghị Cấp cao giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với các đối tác (ASEAN+), diễn ra tại Jakarta, Indonesia, với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN với các đối tác. Trong quá trình phát triển của ASEAN, không thể thiếu sự ủng hộ và những cam kết hỗ trợ của các đối tác. Bối cảnh mới nhiều thách thức, ASEAN luôn phát huy vai trò tự cường của khối đã được thử thách gần 60 năm qua, tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm trong định hướng thúc đẩy nỗ lực đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với Tổng Thư ký và Trưởng đoàn các nước ASEAN tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 - Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Hội nghị cấp cao giữa ASEAN với các đối tác là khuôn khổ hợp tác song phương của ASEAN với các đối tác bên ngoài, là khuôn khổ hợp tác ngoài khối được thành lập sớm nhất của ASEAN. Các cơ chế hợp tác ASEAN+ được xem là cơ chế hợp tác mang lại những kết quả thiết thực nhất đối với ASEAN, cũng như đối với các đối tác.
Cơ chế ASEAN+, sự sáng tạo của ASEAN
Ngay từ rất sớm, nhận thức rõ tầm quan trọng không thể thiếu của các nước lớn, các đối tác trong và ngoài khu vực, ASEAN đã có nhiều nỗ lực nhằm quản lý quan hệ với các nước lớn và các đối tác dưới nhiều hình thức khác nhau, đồng thời tìm cách chèo lái quan hệ với các nước lớn đi theo hướng có lợi cho ASEAN. Để đạt được mục tiêu này, ASEAN đã sáng tạo ra cơ chế đối tác đối thoại (ASEAN+) để tăng cường quan hệ với các nước lớn, các đối tác trong và ngoài khu vực, tùy thuộc năng lực, hoàn cảnh của từng đối tác cũng như nhu cầu của ASEAN.
Về bản chất, cơ chế đối tác đối thoại là phương thức xử lý quan hệ với các nước lớn, các đối tác thông qua đối thoại, hợp tác ở các mức độ khác nhau nhằm tăng cường xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, thay vì sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Đây là dấu ấn riêng của ASEAN mà không có bất kỳ tổ chức nào trên thế giới có được.
Hiện nay, ASEAN duy trì quan hệ với 11 đối tác đối thoại chính thức (ASEAN+1), gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nga, Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Anh. Trong đó, có những đối tác được thiết lập rất sớm, từ những năm 1970. Thông qua cơ chế này, các nước ASEAN không chỉ đối thoại một cách bình đẳng, ngang hàng với các nước lớn, mà còn tranh thủ được rất nhiều nguồn lực cho phát triển, trên hầu hết các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, giáo dục, hỗ trợ kỹ thuật…
Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 - Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Ngoài ra, ASEAN còn có cơ chế đối thoại và hợp tác giữa ASEAN và 3 nước là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3), được thành lập năm 1997, nhằm hỗ trợ ASEAN cải cách tài chính, ngân hàng và phục hồi kinh tế sau khủng hoảng tài chính năm 1997. Hay cơ chế cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), hợp tác quốc phòng ASEAN mở rộng…, nhằm quy tụ các nước lớn trong và ngoài khu vực cùng bàn bạc, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề quốc tế
Thực tế trong chặng đường phát triển của ASEAN mấy thập kỷ qua, vừa tăng cường đối thoại, hợp tác, vừa tìm cách tạo ra các khuôn khổ thích hợp để cùng nhau bày tỏ quan điểm, lập trường, khiến ASEAN đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc quản lý xung đột, xử lý các vấn đề an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Đến nay, đã có 86 quốc gia ngoài ASEAN cử Đại sứ tại ASEAN, đặc biệt các nước lớn đều mong muốn ASEAN phát huy vai trò trung tâm trong các cơ chế hợp tác ở khu vực.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 43 đang diễn ra tại thủ đô Jakarta của Indonesia lần này, trước những biến chuyển sâu sắc của tình hình thế giới và khu vực, các nhà lãnh đạo ASEAN một lần nữa khẳng định đoàn kết là giá trị chiến lược để ASEAN tiếp tục vượt qua thử thách, vững vàng trước các cọ xát chiến lược và cạnh tranh địa chính trị, khẳng định vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực.
Trước vòng xoáy của cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, để ASEAN giữ vững vai trò trung tâm, không gì khác là ASEAN phải phát huy sức mạnh tự thân, củng cố đoàn kết nội khối để khẳng định giá trị chiến lược của mình. Các nước ASEAN cần nêu cao tinh thần độc lập, tự cường, thượng tôn pháp luật và kiên định với các nguyên tắc cơ bản và chuẩn mực ứng xử của ASEAN. ASEAN tiếp tục giữ vững cân bằng chiến lược với các nước lớn. ASEAN thực sự trở thành một cầu nối tin cậy với năng lực điều hòa cân bằng các mối quan hệ và lợi ích, kiên định mục tiêu xây dựng cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và quan trọng nhất là thống nhất giữ vững lập trường nguyên tắc của mình trong các vấn đề liên quan trực tiếp đến môi trường an ninh – phát triển của khu vực.