(VOV5) - Năm 2016, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 với nhiều điểm mới bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân.
Bộ Ngoại giao Hoa kỳ ngày 15/8/2017 công bố bản Phúc trình thường niên 2016 về tự do tôn giáo thế giới, trong đó nói Chính phủ Việt Nam hạn chế hoạt động của các tổ chức tôn giáo. Điều này thể hiện sự kỳ thị, không khách quan về tình hình thực tế của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: VOV |
Trong một tuyên bố phản đối Phúc trình thường niên 2016 về tự do tôn giáo thế giới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định rõ ràng chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân.
Người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng
Việt Nam có hiện 38 tổ chức tôn giáo, trên 24 triệu tín đồ, 80.000 chức sắc và khoảng 26.000 cơ sở thờ tự của các tôn giáo đã du nhập vào Việt Nam từ hàng ngàn năm hoặc mới chỉ ra đời khoảng vài chục năm. Ước tính khoảng 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng. Hằng năm có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo hoặc tín ngưỡng cấp quốc gia và địa phương được tổ chức. Từ Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 cho đến Hiến pháp 2013, các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân Việt Nam đều được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Đặc biệt, trong Hiến pháp 2013, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quy định gắn với quyền con người, do đó được bảo đảm tốt hơn.
Nhằm thể chế hóa Hiến pháp 2013, năm 2016, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 với nhiều điểm mới bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân. Quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo được mở rộng thành “quyền của mọi người” chứ không riêng của công dân Việt Nam. Quyền tín ngưỡng tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam cũng được Nhà nước Việt Nam bảo hộ. Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 nêu rõ: "Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo”. Mọi quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam hoàn toàn tương thích với Luật pháp quốc tế về quyền con người.
Sinh hoạt tôn giáo trong khuôn khổ luật pháp quốc gia
Thực tế ở mọi quốc gia, các thế lực thù địch luôn muốn tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý của Nhà nước. Tại Việt Nam, có những đối tượng xác định lấy “tự do tôn giáo” làm “ngòi nổ” để chống phá Việt Nam nên đã tuyệt đối hóa tính toàn cầu, tính phổ cập của các quyền trên lĩnh vực tôn giáo với luận điểm: “nhân quyền cao hơn chủ quyền”. Các đối tượng này lợi dụng những vụ việc nảy sinh trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào tôn giáo, hoạt động tôn giáo và việc triển khai thực hiện chính sách tôn giáo liên quan đến giải tỏa, đền bù đất đai, cơ sở thờ tự của các cấp chính quyền để kích động quần chúng, tín đồ đập phá tài sản, chống người thi hành công vụ, phá rối an ninh, trật tự, cản trở giao thông tại các địa phương.
Cần nhấn mạnh rằng như mọi hoạt động khác của xã hội, các sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào cũng đều phải trong khuôn khổ pháp luật nhà nước. Những hành vi vi phạm pháp luật của công dân (dù theo đạo hay không theo đạo) cũng đều phải bị xử lý theo luật định. Những năm qua, Việt Nam triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các thế lực thù địch hoặc các đối tượng lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, chống phá Nhà nước theo đúng luật định.
Đi ngược lại mối quan hệ hợp tác Việt Nam- Hoa Kỳ
Những bản Phúc trình thường niên về tự do tôn giáo thế giới, trong đó có vấn đề tôn giáo ở Việt Nam, là báo cáo thường niên do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ biên soạn từ thời kỳ Chiến tranh lạnh. Khi đó, Việt Nam và Hoa Kỳ ở trong các hệ thống xã hội đối đầu với nhau. Tuy nhiên, Việt Nam và Hoa kỳ nay đã trở thành đối tác toàn diện. Văn kiện “Đối tác toàn diện” được nguyên thủ hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết năm 2013 đã ghi nhận nguyên tắc các bên “tôn trọng” Hiến chương Liên hợp quốc và thể chế chính trị của nhau.
Dẫu Phúc trình thường niên 2016 về tự do tôn giáo thế giới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã có những điều chỉnh trong phần viết về Việt Nam, nhưng vẫn không phản ánh đúng tình hình thực tế đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Điều này không những đi ngược lại mối quan hệ “Đối tác toàn diện” đã được nguyên thủ hai quốc gia ký kết mà còn làm tổn thương đến quan hệ giữa hai quốc gia và tình cảm của hai dân tộc, làm cản trở đến mối quan hệ hợp tác đang trên đà phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.