(VOV5) - Từ vài chục cơ quan báo chí trong những ngày đầu giành chính quyền, đến nay Việt Nam đã có lực lượng người làm báo hùng hậu, với hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ, làm việc ở gần 900 cơ quan báo chí với đủ các loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử...
Ngày mai, 21/6, tròn 93 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2018). 93 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã luôn đồng hành cùng sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí cũng góp phần quan trọng vào thành công của đối ngoại Việt Nam, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh |
Năm 1925, để tuyên truyền những tư tưởng cách mạng ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập tờ báo Thanh niên, số đầu tiên xuất bản Thanh Niên (21/6/1925), đánh dấu quá trình hình thành và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.
Từ vài chục cơ quan báo chí trong những ngày đầu giành chính quyền, đến nay Việt Nam đã có lực lượng người làm báo hùng hậu, với hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ, làm việc ở gần 900 cơ quan báo chí với đủ các loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử... Trong số đó có khoảng 40 cơ quan báo chí có tôn chỉ, mục đích thông tin đối ngoại, với đội ngũ phóng viên, biên tập viên khoảng gần 1000 người, tập trung chủ yếu ở các cơ quan báo chí như: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao…
Vai trò quan trọng của báo chí trong thông tin đối ngoại
Trong lịch sử đối ngoại Việt Nam, báo chí luôn phối hợp chặt chẽ với ngoại giao làm tốt công tác duy trì môi trường hoà bình, ổn định, đấu tranh dư luận trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Những nỗ lực chung đó đã giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn chính nghĩa của Việt Nam. Người dân trong nước ủng hộ chủ trương đúng đắn và những nỗ lực, biện pháp của Đảng và Nhà nước nhằm củng cố môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Cùng với việc tăng cường quảng bá thông tin về đất nước, con người và sự phát triển của Việt Nam, báo chí đối ngoại đã đấu tranh chủ động và hiệu quả hơn với những luận điệu xuyên tạc về Việt Nam, nhất là trong những vấn đề như dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, biên giới lãnh thổ.
Báo chí cũng đã đóng góp vào thành công của các hoạt động đối ngoại quan trọng, bao gồm các chuyến thăm nước ngoài của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và lãnh đạo cấp cao các nước tới Việt Nam và các sự kiện lớn như: Hội nghị cấp cao APEC 2006, APEC 2017; Đại lễ Phật đản Vesak (2008), Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO (2007), đảm nhận cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ (2008-2009); các Hội nghị cấp cao ASEAN 16, 17, cấp cao Đông Á... Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá: “Thông tin đối ngoại là bộ phận quan trọng trong công tác tuyên truyền tư tưởng và đối ngoại của Đảng và nhà nước. Trong hơn 70 năm qua, thông tin đối ngoại đã bám sát chủ trương đường lối của Đảng, đóng góp trực tiếp vào thành tựu của công tác đối ngoại, góp phần tạo dựng sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc”.
Đổi mới để góp phần hoàn thành nhiệm vụ đối ngoại thời gian tới
Sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, những biến chuyển nhanh chóng trong tình hình thế giới và khu vực đã và đang đặt ra cho báo chí làm công tác thông tin đối ngoại cả thuận lợi và thách thức đan xen. Thuận lợi là những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, vị thế ngày càng được nâng cao của đất nước là chất liệu quý giá để khai thác. Đặc biệt sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ giúp thông tin đối ngoại tiếp cận các phương tiện, kỹ thuật thông tin hiện đại, những phương thức chuyển tải thông tin mới phong phú, đa dạng và hiệu quả.
Mặt khác, thách thức là những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và khó khăn nảy sinh trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Việt Nam. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi báo chí thông tin đối ngoại cần có những đối mới để tiếp tục thực hiện sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng: “Thông tin đối ngoại cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhân thức trong tình hình mới để phục vụ tốt nhất lợi ích của quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh môi trường đối ngoại và môi trường thông tin đang có sự thay đổi mạnh mẽ, thông tin đối ngoại cần đổi mới cách tiếp cận, theo phương châm chính xác kịp thời, phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt cần đẩy mạnh thông tin đối ngoại bằng tiếng nước ngoài, nhất là về thành tựu của đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đồng thời tăng cường ứng dụng các công nghệ thông tin truyền thông hiện đại của thời kỳ 4.0 trong công tác thông tin đối ngoại”.
Trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí đã góp phần đưa hình ảnh nước Việt Nam đổi mới, hội nhập ra thế giới, giúp nhân dân thế giới và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu thêm về Việt Nam.
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, báo chí đối ngoại tiếp tục là kênh thông tin hiệu quả, có những bước phát triển mới, chất lượng để tích cực góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.