(VOV5) - Các bộ phim có hình ảnh, nội dung sai lệch về biên giới lãnh thổ, chủ quyền biển đảo đòi hỏi cần phải được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Thời gian qua, việc một số bộ phim do nước ngoài sản xuất bị cơ quan chức năng kiên quyết xử lý, cấm phổ biến trên các nền tảng trực tuyến tại Việt Nam, vì có nội dung xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền quốc gia, đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình và đánh giá cao của dư luận. Không chỉ các cơ quan chức năng, mà cộng đồng xã hội cũng đã nâng cao ý thức trách nhiệm trong phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực điện ảnh, góp phần bảo vệ tốt chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Hình ảnh đường lưỡi bò xuất hiện trong một cảnh phim của Hướng gió mà đi - Ảnh: Cục Điện ảnh |
Ngày 9/7 vừa qua, Cục Điện ảnh đã ban hành Công văn số 870/ĐA-VP gửi Công ty Netflix và Công văn số 871/ĐA-VP gửi Công ty cổ phần Viễn thông FPT với nội dung yêu cầu gỡ bỏ phim Hướng gió mà đi (Flight to you) do một công ty của Trung Quốc sản xuất. Nội dung công văn nêu rõ Cục Điện ảnh đã kiểm tra nội dung phim Hướng gió mà đi được phổ biến trên không gian mạng và thấy hình ảnh "đường lưỡi bò" xuất hiện trên bản đồ trong nhiều cảnh phim, kèm theo lời thoại và phụ đề "Rồi sẽ có ngày tấm bản đồ này đi đến rất nhiều nơi trên thế giới". Cả hai công văn của Cục Điện ảnh đều chỉ rõ việc thể hiện hình ảnh "đường lưỡi bò" và những nội dung trong lời thoại và phụ đề như trong phim là không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam, vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 Luật Điện ảnh 2022, nên không phù hợp để phổ biến tại Việt Nam.
Nhà báo Việt Văn, ủy viên Hội đồng kiểm định phim của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bình luận về hiện tượng này: "Rõ ràng vấn đề ở đây là Trung Quốc có chiến lược tuyên truyền về hình ảnh phi pháp đó. Họ lặp đi lặp lại trong rất nhiều bộ phim, cài cắm hình ảnh đường lưỡi bò vào, biến điều phi lý đó thành điều quen thuộc. Việc này là có ý đồ và bài bản. Có nhiều phim khác nữa, phim Mỹ hợp tác với Trung Quốc, hoặc Trung Quốc làm hậu kỳ, cũng cài cắm đường lưỡi bò".
Trong các công văn nêu trên, Cục Điện ảnh yêu cầu Công ty Netflix gỡ bỏ phim Hướng gió mà đi tại địa chỉ https://www.netflix.com và ứng dụng Netflix; Công ty cổ phần Viễn thông FPT gỡ bỏ phim Hướng gió mà đi tại địa chỉ tên miền https://fptplay.vn và ứng dụng FPT Play. Các đơn vị có liên quan đều đã thực hiện nghiêm yêu cầu của Cục Điện ảnh.
Thực tế, Hướng gió mà đi chỉ là một trong những bộ phim nước ngoài có hình ảnh bản đồ chứa "đường lưỡi bò" phi pháp khiến dư luận bức xúc dậy sóng và bị cơ quan chức năng xử lý trong thời gian gần đây, do gây ra nhận thức sai lệch về chủ quyền lãnh thổ của quốc gia, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Trước đó, bộ phim Barbie của Mỹ, đã bị Cục Điện ảnh từ chối cấp phép phổ biến tại Việt Nam hồi đầu tháng 7/2023 do có bản đồ với hình ảnh "đường lưỡi bò" xuất hiện nhiều lần trong phim. Năm 2018, bộ phim Điệp vụ biển đỏ (Operation Red Sea) của Trung Quốc đã bị rút khỏi rạp chiếu tại Việt Nam vì vào hai phút cuối, nhà làm phim đã cài cắm vô lý những hình ảnh và chi tiết không chính xác liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục để tất cả người dân hiểu và ý thức về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia trên không gian mạng - Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam |
Chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của tất cả các quốc gia theo quy định của luật pháp quốc tế; đồng thời yêu cầu các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam. Do đó, mọi hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đều cần bị ngăn chặn và lên án mạnh mẽ.
Luật sư Hoàng Việt, thành viên Ban nghiên cứu Luật biển và Hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nêu rõ: "Một mặt, chúng ta phải có hình phạt nghiêm khắc đối với các vi phạm này. Tôi được biết, có những nhà đầu tư Trung Quốc sang Việt Nam, sử dụng hộ chiếu có đường lưỡi bò. Trong trường hợp đó, có những ngân hàng Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo nên đã từ chối phục vụ các nhà đầu tư đó. Điều này cũng nên mở rộng ra trong lĩnh vực văn hóa, điện ảnh. Tức là nếu có lợi ích kinh tế nhưng vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam thì điều này cũng không thể chấp nhận được. Mặt khác, chúng ta cũng phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục để tất cả người dân đều hiểu và ý thức về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia trên không gian mạng".
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên toàn cầu, không gian mạng đã thật sự trở thành không gian chiến lược, được xác định là "không gian thứ năm, chiến trường thứ năm, miền thứ năm của quốc gia, bên cạnh vùng đất, vùng trời, vùng biển và không gian vũ trụ". Từ đây, đặt ra những yêu cầu mới trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Liên quan đến lĩnh vực điện ảnh, sự xuất hiện và có chiều hướng gia tăng các bộ phim có hình ảnh, nội dung sai lệch về biên giới lãnh thổ, chủ quyền biển đảo đòi hỏi cần phải được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Cùng với các biện pháp mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, sự vào cuộc của cả cộng đồng kiên quyết phản đối những bộ phim xuyên tạc lịch sử dân tộc, chủ quyền quốc gia, sẽ khiến các sản phẩm điện ảnh có nội dung sai phạm không thể tồn tại.