(VOV5) - Theo Bộ ngoại giao Nhật Bản, Hội nghị Ngoại trưởng Nhật – Trung - Hàn lần thứ 8 chính thức khai mạc ngày 24/8, tại Tokyo, Nhật Bản. Nếu diễn ra theo đúng kế hoạch, đây sẽ là Hội nghị cấp Ngoại trưởng đầu tiên trong 5 năm qua nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại giữa 3 nước láng giềng khu vực Đông Bắc Á. Tuy nhiên nhiều động thái tiêu cực của các bên trước thềm Hội nghị sẽ tác động không nhỏ tới kết quả sự kiện quan trọng này.
|
Ngoại trưởng Nhật (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc. Ảnh: IndianExpress. |
Để chuẩn bị cho cuộc họp cấp Ngoại trưởng lần thứ 8, Thứ trưởng Ngoại giao các nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã nhóm họp tại Tokyo ngày 21/8. Tham gia cuộc họp có Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Hyoung-zhin cùng người đồng cấp Trung Quốc Lưu Chấn Dân và Takeo Akiba của Nhật Bản. Đây là cuộc họp cấp thứ trưởng lần thứ 11 kể từ khi cơ chế này được khởi động vào tháng 3/2007, tạo ra một kênh quan trọng để trao đổi ý kiến giữa ba nước.
Thảo luận nhiều nội dung quan trọng
Tham dự Hội nghị Ngoại trưởng 3 nước Đông Bắc á lần này có Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và hai người đồng cấp Yun Byung Se của Hàn Quốc và Vương Nghị của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên một Ngoại trưởng Trung Quốc đến Nhật Bản kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2012.
Trong cuộc họp, Ngoại trưởng 3 nước dự kiến trao đổi về nhiều quan điểm trong các vấn đề lớn của khu vực và toàn cầu cũng như đánh giá về hợp tác 3 bên và các đường hướng phát triển trong tương lai của sự hợp tác này. Các bên có thể đề cập tới các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Bên cạnh đó, Seoul và Bắc Kinh cũng có thể thảo luận về việc Hàn Quốc và Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Ngoài ra, 3 Ngoại trưởng sẽ trao đổi ý kiến về việc mở rộng hợp tác có lợi cho tất cả các bên và đánh giá tình hình hiện nay trong khu vực và trên thế giới, thảo luận về sự phát triển tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Cuộc họp cấp Ngoại trưởng lần này cũng nhằm chuẩn bị nội dung cho cuộc gặp thượng đỉnh 3 nước, có thể được tổ chức bên lề Hội nghị cấp cao nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), sẽ diễn ra tại Trung Quốc vào đầu tháng 9 tới.
Với nhiều nội dung quan trọng như vậy, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhận định hội nghị cấp Ngoại trưởng 3 bên sẽ là cơ hội để đại diện ngoại giao cấp cao của các nước có thể thảo luận về một loạt các vấn đề nổi cộm, mở ra cơ hội về việc mở rộng quan hệ hợp tác cùng mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
Căng thẳng trước thềm Hội nghị
Tuy 3 nước đã đạt được sự đồng thuận về việc tổ chức cuộc họp cấp Ngoại trưởng nhưng những bất đồng giữa Bắc Kinh với Tokyo cũng như giữa Bắc Kinh với Seoul được cho là sẽ tác động không nhỏ tới kết quả Hội nghị.
Mâu thuẫn sâu sắc về vấn đề chủ quyền lãnh thổ quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật gọi là Senkaku hiện là mấu chốt ảnh hưởng tới quan hệ Trung - Nhật. Ngay trước thềm Hội nghị, phía Nhật bản ra Tuyên bố về kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng cho thấy lập trường rõ ràng của Nhật trong việc củng cố mạnh tiềm lực quốc phòng và các phương án ứng phó với nguy cơ bất ổn an ninh khu vực. Theo đó, ngân sách quốc phòng sẽ là hơn 5.000 tỷ Yen (tương đương hơn 50 tỷ USD) trong năm tài khóa 2017, tăng 2,3% so với năm 2016. Nếu được thông qua đây sẽ là mức cao kỷ lục và chính phủ Nhật Bản sẽ tập trung đẩy mạnh việc chế tạo những lá chắn tên lửa tiên tiến. Tokyo cũng cân nhắc đóng thêm tàu tuần tra các khu vực quanh quần đảo Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, trên biển Hoa Đông. Dự kiến, Chính phủ Nhật Bản tìm cách thông qua ngân sách đóng tàu trong phiên họp nội các sắp tới. Căng thẳng Trung - Nhật vẫn hiện hữu khi 1 ngày trước khi Hội nghị Ngoại trưởng Đông Bắc Á khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đã thị sát căn cứ của Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) ở Yokosuka, Tây Nam Tokyo. Theo bà Inada, MSDF cần nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ cảnh báo và giám sát trong bối cảnh Trung Quốc triển khai các hành động ngày càng quyết liệt trên biển.
Trước khi Nhật Bản có các động thái này, từ đầu tháng 8 trở lại đây, hàng loạt tàu cá và hải cảnh của Trung Quốc đi vào lãnh hải Nhật Bản hoặc xuất hiện tại vùng tiếp giáp gần quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Vụ việc khiến Nhật Bản nhiều lần gửi công hàm phản đối mạnh mẽ Trung Quốc.
Trong khi đó, việc Washington và Seoul nhất trí triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc hồi tháng 7/2016, nhằm tăng cường khả năng phòng vệ trước những đe dọa từ CHDCND Triều Tiên, đã gây sứt mẻ quan hệ Hàn - Trung. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng THAAD sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lợi ích an ninh chiến lược của nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công khai kêu gọi Hàn Quốc để tâm đến những quan ngại của Trung Quốc và "cẩn trọng" về kế hoạch này. Cùng với cảnh báo trên, Bắc Kinh bắt đầu hủy tư cách cấp giấy mời thị thực thương mại cho các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc, siết chặt quản lý đối với làn sóng văn hóa Hàn Quốc đang lan rộng tại nước này.
Bất đồng giữa 3 quốc gia láng giềng ở Đông Bắc Á trong suốt thời gian qua là lý do chính khiến cuộc gặp cấp Ngoại trưởng bị trì hoãn nhiều lần. Dư luận hy vọng tại Hội nghị Ngoại trưởng lần thứ 8 này, các bên sẽ cố gắng vượt qua những bất đồng để cùng hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và toàn cầu.