(VOV5)- Thủ đô Bangkok của Thái Lan những ngày gần đây rung chuyển bởi 2 vụ nổ bom liên tiếp với con số thương vong cao. Đây được coi là bất ổn nghiêm trọng nhất ở Thái Lan trong 2 năm trở lại đây. Công cuộc điều tra tìm kiếm kẻ thủ ác vẫn đang diễn ra hết sức khẩn trương, song dư luận đặt câu hỏi liệu những bất ổn này có liên quan gì tới những diễn biến thay đổi gần đây trên chính trường Thái Lan hay không?
|
Ngọn lửa bốc lên trên đường sau vụ nổngoài ngôi đền Erawan ở trung tâm thành phố Bangkok - Arnh: AP |
Chưa đầy một ngày sau vụ đánh bom kinh hoàng tại đền Erawan khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và hơn 120 người khác bị thương, ngày 18/8, thủ đô Bangkok của Thái Lan lại rung chuyển bởi một vụ nổ mới tại bến tàu Sathorn, nơi kết nối các chuyến tàu trên sông Chao Phraya và có rất đông du khách qua lại.
Đây không phải là lần đầu tiên Thái Lan xảy ra các cuộc đánh bom. Tuy nhiên, xét về tính chất và quy mô của các vụ đánh bom, vụ việc lần này có nhiều điểm hoàn toàn khác biệt. Trước hết, thời điểm, địa điểm đánh bom được tính toán kỹ lưỡng, chất nổ được sử dụng là chất nổ chuyên dụng và nhằm mục đích gây sát thương cao, đặc biệt xảy ra vào thời điểm trên chính trường Thái Lan đang có một số thay đổi. Rõ ràng, các vụ đánh bom mang động cơ chính trị, gây sự hoảng loạn trong dân chúng và tác động tiêu cực đến du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn của Thái Lan.
Mâu thuẫn phe phái vẫn chi phối chính trường
Hơn 1 năm qua kể từ khi chính quyền quân sự của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha lên cầm quyền, nhìn chung tình hình an ninh, chính trị ở Thái Lan tương đối ổn định. Tuy nhiên, thời gian gần đây bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu bất ổn đáng lo ngại.
Đầu tiên là sự ra đời của bản dự thảo Hiến pháp mới trong đó có nhiều nội dung gây tranh cãi. Bản dự thảo này vừa được hoàn thành hồi giữa tháng 4/2015 và đang được chính quyền của Thủ tướng P.Chan-ocha thúc đẩy để sớm thông qua. Một điểm đáng lưu ý trong bản dự thảo này và được xem là mấu chốt của mâu thuẫn đó là cho phép chính phủ được sử dụng một số biện pháp mạnh trong những trường hợp khẩn cấp. Đề xuất này đã bị lực lượng đối lập ở Thái Lan phản đối mạnh mẽ. Tuần qua, Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài đã gửi lời kêu gọi tẩy chay dự thảo Hiến pháp mới gửi tới những người ủng hộ ông thông qua mạng xã hội. Theo kế hoạch trong tháng 9/2015, Hội đồng cải cách quốc gia Thái Lan sẽ bỏ phiếu thông qua dự thảo Hiến pháp này và nếu được thông qua, văn bản này sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý vào tháng 1/2016. Nếu hơn 50% số phiếu ủng hộ thì bản Hiến pháp này chính thức có hiệu lực.
Thực tế, Thủ tướng P.Chan-ocha thời gian qua cũng áp dụng hàng loạt chính sách cứng rắn. Đã có hàng trăm người thuộc lực lượng đối lập bị bắt giữ trong các cuộc tụ tập đông người phản đối chính phủ. Khoảng vài tháng trở lại đây, những căng thẳng lại được đẩy lên thêm một nấc khi chính quyền quân sự của Thủ tướng P.Chan-ocha tuyên bố cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017 sẽ không diễn ra. Hẳn dư luận vẫn còn nhớ rất rõ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cam kết sẽ nhanh chóng thành lập một chính phủ dân bầu thông qua một cuộc tổng tuyển cử trên toàn quốc. Do vậy, tuyên bố của Thủ tướng P.Chan-ocha không tiến hành tổng tuyển cử đã gây nên một sự phản ứng mạnh mẽ trong dân chúng, nhất là các lực lượng đối lập tại Thái Lan.
Một nguyên nhân khác cũng được các nhà phân tích nhìn nhận có thể gây ra những bất ổn nghiêm trọng tại Thái Lan trong thời gian tới, đó là việc bổ nhiệm nhân sự chủ chốt vào bộ máy nội các mới. Hiện tại, ngay trong nội bộ quân đội và chính phủ cầm quyền cũng có nhiều mâu thuẫn. Bên cạnh đó, nền kinh tế Thái Lan có sự giảm tốc nhanh chóng. Theo thống kê, năm 2014 nền kinh tế Thái chỉ tăng trưởng 0,9%, và chỉ số kinh tế vào tháng 6 vừa qua đã xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm liên tục (từ năm 2011 đến nay).Theo chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, cải tổ nội các sẽ giúp cứu vãn nền kinh tế.
Vòng xoáy bạo lực mới?
Những năm qua chính phủ Thái Lan đã có nhiều nỗ lực cải thiện tình trạng bất ổn. Tuy nhiên những nỗ lực này vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn và vụ đánh bom lần này là một ví dụ. Vậy nguyên nhân nào khiến Thái Lan chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng bất ổn. Theo các nhà phân tích, một trong những nguyên nhân chính đó là nền chính trị Thái Lan được xây dựng trên nền tảng phe phái, lợi ích nhóm. Mặc dù Hoàng gia Thái Lan có vai trò quan trọng trong việc tập hợp sự đoàn kết của thần dân nhưng lại không có vai trò quản trị đất nước. Theo Hiến pháp Thái Lan, quyền lực thuộc về Chính phủ. Trong bối cảnh chính quyền đương nhiệm Thái Lan đang nỗ lực thúc đẩy thông qua Hiến pháp mới và cải tổ nội các, đây chính là thời điểm xảy ra những bất bình trong nội bộ dân chúng.
Hiện, các nhà chức trách Thái Lan vẫn đang tìm kiếm nguyên nhân của những vụ đánh bom trên, nghi can đã bị bắt giữ phục vụ cho quá trình điều tra. Chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đang có sự chuyển hướng điều tra theo hướng mở rộng hơn. Không loại trừ khả năng những ngày tới chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn nữa và rất có thể Thái Lan lại rơi vào vòng xoáy bạo lực mới trong những ngày tới.