(VOV5) - Tham gia bầu cử hôm nay, người dân Việt Nam không chỉ thực hiện quyền dân chủ mà còn thực hiện nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với đất nước. Lá phiếu bầu của các cử tri trong ngày hội dân chủ này là biểu hiện sinh động về niềm tin của nhân dân Việt Nam với Đảng cộng sản Việt Nam, với thể chế chính trị được hiến định trong Hiến pháp.
|
Hà Nội rực rỡ trong ngày hội lớn của đất nước (Ảnh: qdnd.vn) |
Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện, cơ quan quyền lực Nhà nước từ trung ương đến địa phương ở Việt Nam nói riêng. Tham gia ứng cử và bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là quyền cơ bản của công dân trong việc xây dựng chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Thông qua việc bầu cử này, nhân dân thực hiện quyền dân chủ bằng cách lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Đối với mỗi cử tri, việc đi bầu cử là quyền lợi, đồng thời cũng là trách nhiệm của công dân đối với đất nước.
Đi bầu cử là thực hiện quyền làm chủ của công dân
Đây là lần thứ 14, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đi bỏ phiếu bầu người đại diện cho mình tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Trong cảm xúc và ký ức về những ngày bầu cử, đặc biệt là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập sau thành công của Cách mạng tháng Tám 1945, Trung tướng Phạm Hồng Cư nêu rõ: "Tôi nghĩ mỗi một lần đi bầu cử, người cầm lá phiếu ngoài việc chọn những đại biểu đại diện cho mình còn gửi gắm ở đấy một kỳ vọng. Bầu cử Quốc hội khóa XIV thì tôi mong là Việt Nam sẽ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đất nước sẽ thoát nạn tụt hậu so với các nước để sánh vai cùng các cường quốc năm châu, tiếp tục đổi mới, tiếp tục phát triển, chống nội xâm tham nhũng, lãng phí, chống ngoại xâm gây căng thẳng ở Biển Đông. Tất cả những nguyện vọng này tôi gửi gắm trong lá phiếu".
|
Người dân Thành phố Hồ Chí Minh háo hức với ngày bầu cử (Ảnh: Nhân dân) |
Ý thức được giá trị của bầu cử, sinh viên Trần Thị Thúy ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng đi bầu cử là niềm vinh dự, là quyền làm chủ thực sự của người dân Việt Nam nói chung và của thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng. Bởi thế, mỗi người cần thấu hiểu và nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của mình, sáng suốt lựa chọn người đủ điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân: "Cầm lá phiếu đi bầu là quyền lợi và trách nhiệm công dân của tuổi trẻ. Trách nhiệm làm chủ đất nước, trách nhiệm lựa chọn và xây dựng bộ máy Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Bởi vậy khi nhận được lá phiếu, trách nhiệm của mỗi thanh niên là phải theo dõi danh sách đại biểu, sáng suốt lựa chọn người có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ những việc làm nhỏ nhất, như đi bầu cử đúng giờ, phát huy tối đa quyền làm chủ của mình cũng thể hiện ý thức trách nhiệm của sinh viên đối với xã hội".
Hoàn thành tốt nhiệm vụ công dân trong ngày hội dân chủ
Thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, quyền dân chủ trong ứng cử và bầu cử trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp lần này được mở rộng. Theo đó, số lượng người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiều hơn; việc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng được chú trọng. Ông Lê Văn Vũ, cử tri phường Tam Phú, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ: "Tôi được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhiều lần rồi. Lần này tôi thấy không khí, tình hình dân chủ ở nước mình bây giờ cao hơn trước đây rất nhiều. Là một cử tri, tôi tiếp xúc với các thông tin của ban bầu cử cơ sở được nhiều hơn; tiếp cận được các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân; được quyền chất vấn các ứng cử viên".
|
Cử tri dân tộc Ba Na tại làng Hà Giao, xã Canh Liên (Vân Canh, Bình Định) đi bỏ phiếu (Ảnh: Nhân dân) |
Quyền dân chủ được mở rộng, cử tri phấn khởi thực hiện quyền công dân của mình.Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết: "Hiến pháp 2013 quy định quyền tự do dân chủ, quyền trực tiếp và gián tiếp của người dân trong xây dựng chính quyền. Trực tiếp cầm lá phiếu để bầu ra người thay mặt cho chính mình tham gia vào chính quyền địa phương và bộ máy nhà nước, đó là bầu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Toàn dân nô nức đi bầu cử để thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc xây dựng nhà nước, xây dựng chính quyền".
Khi quyền dân chủ trong ứng cử và bầu cử được phát huy, cử tri sẽ bầu được những đại biểu tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Đó là cơ sở quan trọng và quyết định để Việt Nam thực hiện mục tiêu tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.