(VOV5)- Ngày mai, tại quốc gia vạn đảo Indonesia sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống, chọn người kế nhiệm ông Sulio Bambang Yudhoyono. Cuộc bầu cử lần này được coi là cuộc đua song mã giữa hai ứng viên: Thị trưởng Jakarta Joko Widodo, người muốn đẩy mạnh dân chủ và cựu tướng lĩnh Prabowo Subianto, người mà dư luận lo ngại sẽ đưa Indonesia quay ngược lại thời kỳ cầm quyền độc đoán. Tỷ lệ ủng hộ không có sự chênh lệch đáng kể, đường lối tranh cử khác nhau cùng với tầm quan trọng của cuộc bầu cử khiến bầu cử Tổng thống trở thành cuộc đua khó đoán định.
|
Hai ứng cử viên tổng thống Indonesia, ông Prabowo Subianto và ông Joko Widodo (phải) bắt tay trước cuộc tranh luận trên truyền hình. (Nguồn: JP) |
Khoảng 190 triệu cử tri Indonesia sẽ đi bỏ phiếu tại gần 487 nghìn điểm bầu cử trên toàn quốc. Trước đó, từ ngày 4 - 6/7, 2 triệu cử tri ở nước ngoài đã tiến hành bỏ phiếu sớm tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Indonesia.
Nhiều người coi cuộc tranh cử giữa 2 ông Joko Widodo và Prabowo Subianto là cuộc tranh cử giữa một bên là cải cách và một bên là giữ nguyên hiện trạng. Theo Tiến sĩ Alexander Arifianto,Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, cuộc bầu cử lần này có ý nghĩa rất quan trọng bởi lẽ người dân Indonesia đang gây áp lực buộc Chính phủ phải cải cách nền chính trị tồn tại suốt 50 năm nay kể từ khi Indonesia trở thành quốc gia dân chủ. Nhà phân tích chính trị độc lập Paul Rowland ở Jakarta thì cho rằng đây là một cuộc bầu cử xác định xem Indonesia sẽ tiến lên hay đi giật lùi.
Tỷ lệ ủng hộ sít sao
Bầu cử Tổng thống lần này ở Indonesia trở thành cuộc đua gay cấn bởi theo các thăm dò dư luận trước bầu cử, tỷ lệ ủng hộ dành cho hai ứng cử viên không chênh lệch nhiều. Do đó, việc vận động tranh cử của cả hai ông đều hướng vào những cử tri chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai (theo khảo sát, con số này khoảng 20%).
Trong khi đó, theo giới quan sát, trận đấu thực sự trong cuộc tranh cử lần này sẽ là khu vực nông thôn vùng Java nơi 40% dân số Indonesia đang sinh sống. Để thắng cử, hai ứng viên cần chứng tỏ mình là người lãnh đạo gần dân, quan tâm tới dân và sẽ trợ giúp nhiều hơn nữa cho người dân có thu nhập thấp và đặc biệt là nông dân bởi vì 1/2 dân số Java làm nông nghiệp. Ứng viên nào tiếp cận được với người nông dân thông qua chính sách kinh tế đúng đắn sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của Indonesia.
Vì vậy, trong cương lĩnh tranh cử của mình, ông Joko Widodo cam kết mang lại sự thay đổi, đột phá cho Indonesia, quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người nghèo; trong khi ông Prabowo Subianto hứa sẽ ưu tiên phúc lợi xã hội, bảo đảm quyền cơ bản của con người,cam kết sẽ xây dựng một nền “kinh tế vì dân” với việc tăng gấp 10 lần ngân sách cho lĩnh vực nông nghiệp.
Những thách thức lớn chờ đợi tân Tổng thống
Ứng cử viên nào thắng cử cũng sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề không hề đơn giản ở quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này.
Việc kiểm soát được nạn tham nhũng, tái lập công bằng sẽ là vấn đề đầu tiên Chính phủ mới phải giải quyết. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, Indonesia đứng thứ 114/177 quốc gia được khảo sát về tham nhũng. Trong khi đó, Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho hay tham nhũng vẫn là yếu tố gây trở ngại nhất trong hoạt động kinh doanh ở Indonesia.
Vấn đề thứ hai đó là cải cách nền kinh tế. Nhà kinh tế Aldian Taloputra thuộc công ty chứng khoán Mandiri Sekuritas ở Jakarta lưu ý rằng Tổng thống Indonesia nhiệm kỳ 2014-2019 sẽ phải kế thừa một nền kinh tế phát triển với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2009 (giảm từ trên 6% trong các năm trước đó xuống 5,8% năm 2013). Đồng nội tệ rupiah mất giá mạnh nhất so với đồng USD (giảm khoảng 20%). Giá nhiên liệu và năng lượng gia tăng cùng với chi phí nhập khẩu xăng dầu và các mặt hàng lương thực như đậu tương, lúa mì tăng mạnh.
Ngoài ra, cuộc chiến chống nghèo đói của Indonesia tiếp tục là môt thách thức lớn của Chính phủ và Tổng thống sắp tới. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng cách giàu nghèo ở đất nước đông dân thứ 4 thế giới ngày một tăng. Hệ số Gini của Indonesia, một chỉ số về bất bình đẳng thu nhập, tăng từ 0,35 điểm năm 2005 lên 0,41 năm 2012, dấu hiệu báo động về tình trạng bất ổn xã hội. Số liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Indonesia (BPS) cũng cho thấy số người dân Indonesia sống dưới mức chuẩn nghèo của Chính phủ nước này đã chiếm 11,5% tổng dân số, cho thấy nhịp độ giảm nghèo của đất nước Vạn Đảo đang chậm lại.
Là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, kết quả bầu cử Tổng thống vào ngày mai 9/7 sẽ có vai trò quan trọng đặc biệt trong việc xây dựng và phát triển đất nước Indonesia trong thế kỷ 21. Do đó, việc lựa chọn ứng cử viên xứng đáng là quyết định không dễ dàng đối với 190 triệu cử tri Indonesia./.