(VOV5) - Chỉ có thể phần nào đoán định được kết quả bỏ phiếu sắp tới dựa trên kết quả cuộc tranh luận được phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia Pháp vào ngày 20/4.
Bên cạnh cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, cuộc bầu cử Tổng thống chưa ngã ngũ tại Pháp cũng là một tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế, nhất là dư luận châu Âu, những ngày này. Bởi lẽ, kết quả bầu cử không chỉ tác động trực tiếp đến đường lối đối ngoại của Pháp mà có thể là với cả châu Âu.
Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và đại diện phe cực hữu, bà Marine Le Pen - Ảnh: Reuters |
Theo kết quả chính thức của vòng một cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022 do Bộ Nội vụ Pháp công bố tối 11/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron giành được nhiều phiếu ủng hộ nhất với 27,85%, trong khi nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen về nhì khi nhận được 23,15% phiếu ủng hộ. Với kết quả này, ông Macron và bà Le Pen sẽ bước vào vòng hai cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 24/4 tới đây, tái lặp cuộc đua tương tự cách đây 5 năm giữa chính hai ứng cử viên này.
Cuộc đua gay cấn
Tuy nhiên, với sự chênh lệch phiếu bầu sít sao này, kết quả vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp được đánh giá là khó đoán định hơn rất nhiều so với cuộc bầu cử năm 2017. Trong cuộc bầu cử lần trước, ông Macron, người dẫn dắt một chiến dịch cải cách theo đường lối trung dung, đã giành chiến thắng dễ dàng trước ứng cử viên Le Pen với tỷ lệ 66-34/%.
Còn hiện tại, các cuộc thăm dò dư luận được thực hiện ngay sau khi kết thúc vòng một của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp hôm 10/4 cho thấy, cơ hội giành chiến thắng của đương kim Tổng thống Emmanuel Macron trước đối thủ Marine Le Pen còn khá sít sao. Cụ thể, thăm dò của Viện Ifop-Fiducial (Pháp) thực hiện cho thấy ông Macron giành chiến thắng trước bà Le Pen với tỷ lệ 51-49%, với biên độ sai lệch 3%. Trong khi đó, các cuộc thăm dò riêng rẽ của hai tổ chức chuyên thăm dò dư luận khác là Ipsos-Sopra Steria và OpinionWay dự báo ông Macron sẽ giành chiến thắng với 54% phiếu bầu, so với 46% của bà Le Pen.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa), bên cạnh phu nhân Brigitte Macron (trái), nói chuyện với một người dân trước khi bỏ phiếu cho vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống hôm 10/4 - Ảnh: AFP |
Với thực tế này, các nhà phân tích cho rằng chỉ có thể phần nào đoán định được kết quả bỏ phiếu sắp tới dựa trên kết quả cuộc tranh luận được phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia Pháp vào ngày 20/4 tới đây. Tuy nhiên, kết quả chính thức cuối cùng vẫn phải chờ vào phiên bỏ phiếu được tổ chức sau đó 4 ngày.
Tác động và thách thức
Sở dĩ cuộc bầu cử Tổng thống Pháp lần này nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận châu Âu cũng như thế giới là bởi kết quả của nó có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của nước Pháp cũng như châu Âu. Trước Brexit, Pháp cùng với Đức và Anh hợp thành bộ 3 đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU). Sau khi Anh chính thức rời khởi EU đầu năm 2021, vai trò dẫn dắt EU tập trung vào hai quốc gia Đức và Pháp.
Trong các tuyên bố trong quá trình tranh cử, ứng cử viên Le Pen khẳng định muốn cải tổ triệt để EU, đồng thời cho biết muốn rút Pháp khỏi bộ chỉ huy chung của liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu. Trong khi đó, Tổng thống Macron tuyên bố "muốn nước Pháp đặt mình vào một châu Âu mạnh mẽ, tiếp tục liên minh với các nền dân chủ trên thế giới để tự bảo vệ mình".
Tuy nhiên, ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp lần này cũng phải đối mặt với thách thức lớn cả về đối nội và đối ngoại. Về đối ngoại, thách thức hàng đầu là xử lý mối quan hệ phức tạp hiện nay với Nga trong tổng thể cấu trúc quan hệ với các thực thể lớn của thế giới như EU, Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đã và đang có những tác động sâu rộng đến đời sống xã hội toàn châu Âu. Về đối nội, thách thức lớn nhất là làm thế nào để vực dậy nền kinh tế Pháp bị tổn thương do tác động kép của đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.
Tất cả những điều này lý giải vì sao cùng với người dân Pháp, người dân châu Âu và nhiều khu vực khác cũng đang chờ đón kết quả cuộc bầu cử Tổng thống tại Pháp lần này.