(VOV5) - Cuộc tổng tuyển cử sớm trước thời hạn tại Italy được tiến hành hơn hai tháng sau khi Chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi buộc phải tuyên bố từ chức (tháng 7/2022) vì áp lực trong nước.
Là quốc gia có vai trò cùng vị trí địa chiến lược quan trọng trong Liên minh châu Âu (EU), những biến động liên tiếp trên chính trường Italy hiện nay đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khu vực và quốc tế. Trong đó, kết quả cuộc tổng tuyển sớm trước thời hạn ngày 25/9 với chiến thắng thuộc về phe cực hữu, được cho là có thể tạo ra những tác động nhất định đến định hướng và chính sách chung của EU.
Kết quả sơ bộ bầu cử Italy cho thấy liên minh trung hữu do đảng FDI của bà Giorgia Meloni đã giành chiến thắng. Nguồn: Reuters |
Cuộc tổng tuyển cử sớm trước thời hạn tại Italy được tiến hành hơn hai tháng sau khi Chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi buộc phải tuyên bố từ chức (tháng 7/2022) vì áp lực trong nước. Theo kết quả kiểm phiếu công bố ngày 26/9, liên minh cánh hữu do đảng Anh em Italy (FDI) đã giành chiến thắng với đa số ghế trong cả hai viện (Hạ viện và Thượng viện) của Quốc hội Italy trong nhiệm kỳ tới. Liên minh trung tả tại Italy do đảng Dân chủ (PD) lãnh đạo, đã lên tiếng thừa nhận thất bại, đồng thời thông báo sẽ là lực lượng đối lập lớn nhất trong Nghị viện Italy. Kết quả này khiến chính trường Italy có sự thay đổi căn bản về cán cân lực lượng, đồng nghĩa với không ít điều chỉnh sâu sắc về chính sách kinh tế và ngoại giao của quốc gia thành viên EU trong thời gian tới.
Những thay đổi đáng chú ý
Theo nhiều nhà phân tích khu vực và quốc tế, kết quả bầu Quốc hội Italy cuối tuần qua là điều đã được dự báo trước, ngay tại thời điểm Thủ tướng Mario Draghi và Nội các buộc phải tuyên bố từ chức hồi tháng 7 vừa qua. Nhiều cuộc thăm dò dư luận do nhiều tổ chức khác nhau tiến hành trước thềm cuộc bầu cử cũng đều cho cùng một kết quả là sự thắng thế rõ ràng của Liên minh trung hữu FDI.
Cử tri bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử sớm tại Rome, Italy, ngày 25/9/2022 Ảnh: AFP/TTXVN |
Như vậy, cán cân lực lượng tại chính trường Italy đã có sự thay đổi căn bản. Theo đó, lực lượng cực hữu giành quyền lãnh đạo và thành lập Chính phủ, đồng thời có ưu thế kiểm soát tại cả hai viện của Quốc hội. Trong đó, khả năng rất cao là Italy sẽ có nữ Thủ tướng đầu tiên, bà Giorgia Meloni – thủ lĩnh của Liên minh trung hữu FDI.
Thực tế, việc phe cực hữu lên nắm chính quyền tại một quốc gia thường xuyên có biến động lớn trên chính trường như Italy, không phải là điều bất ngờ. Bởi lẽ, Italy đã có tới 43 đời Thủ tướng kể từ sau Thế chiến thứ II và sắp có thêm Chính phủ thứ 4 trong vòng 4 năm. Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm hơn cả chính là bối cảnh đặc biệt mà những thay đổi này diễn ra. Đó là những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế-xã hội mà Italy và toàn bộ châu Âu đang phải đối mặt, do tác động của giá năng lượng và lương thực toàn cầu lên cao chưa từng có sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Vì lẽ đó, sự xáo trộn trong bộ máy lãnh đạo tại Italy trong bối cảnh hiện nay, không khỏi khiến châu Âu phải lo lắng.
Quan ngại của châu Âu
Theo các nhà phân tích, có lý do rõ ràng để châu Âu, mà cụ thể ở đây là Liên minh châu Âu (EU), quan tâm và quan ngại về những biến động trên chính trường Italy.
Thứ nhất, về mặt kinh tế, Italy là quốc gia thành viên EU được hưởng lợi nhiều nhất từ gói hỗ trợ đại dịch Covid-19 năm 2021 của EU trị giá 750 tỷ EURO. Việc đảm bảo hiệu quả và thành công của gói hỗ trợ tại Italy có khả năng tác động đến hiệu quả và thành công của cả gói hỗ trợ trên phạm vi toàn EU. Bên cạnh đó, trong quá trình tranh cử vừa qua, thủ lĩnh của Liên minh trung hữu FDI (bà Giorgia Meloni), nhiều lần tuyên bố từ bỏ các quy định của EU về kỷ luật ngân sách (thâm hụt hàng năm không quá 3% GDP và nợ công không quá 60% tổng ngân sách). Rõ ràng, khi Liên minh trung hữu DFI kiểm soát Chính phủ Italy, sự ổn định về chính sách kinh tế của EU có thể phải đối mặt thêm áp lực, trong bối cảnh EU đang phải dồn lực xử lý thách thức nghiêm trọng về kinh tế do tình trạng lạm phát cao chưa từng có trong nhiều thập niên gây ra.
Là quốc gia có vai trò cùng vị trí địa chiến lược quan trọng trong Liên minh châu Âu (EU), những biến động liên tiếp trên chính trường Italy hiện nay đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khu vực và quốc tế.
Thứ hai, về đối ngoại, nhiều lãnh đạo của Liên minh trung hữu FDI có tư tưởng khác biệt rõ ràng với hầu hết các quốc gia thành viên EU khác trong vấn đề xung đột Nga-Ukraine. Trong đó, ông Silvio Berlusconi (thủ lĩnh đảng Forza Italia FI) và ông Matteo Salvini (thủ lĩnh đảng Liên đoàn Italy) là hai nhà lãnh đạo cùng có quan điểm phản đối các hành động cứng rắn và trừng phạt chống Nga của EU. Có nghĩa là sự đồng thuận trong xử lý vấn đề Nga-Ukraine trong EU có nguy cơ trở nên chia rẽ và khó đạt được hơn khi Italy có chính phủ mới. Ngoài ra, các lãnh đạo Liên minh trung hữu FDI cũng liên tục thể hiện quan điểm khác biệt trong chính sách xử lý người di cư/người tỵ nạn của châu Âu hiện nay. Theo đó, FDI có quan điểm cứng rắn trong vấn đề tiếp nhận người di cư từ bên ngoài vào Italy. Với việc Italy có vị trí địa lý quan trọng trong bản đồ di cư toàn cầu, việc chính sách này được triển khai sẽ gây thêm áp lực lớn lên chiến lược người di cư của cả EU.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, việc một quốc gia thành viên quan trọng trong EU là Italy có Chính phủ mới, có thể có tác động, thậm chí tạo ra sự thay đổi tích cực với cả châu Âu. Trong đó, một số ý kiến tin rằng nỗ lực thúc đẩy giải pháp ngoại giao với Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, cũng như trong tổng thể quan hệ của EU với Nga, sẽ được tăng cường. Hiện tại, quốc gia EU đang ủng hộ mạnh mẽ nhất giải pháp ngoại giao với Nga là Hungary. Các nhà lãnh đạo Hungary tin rằng chỉ có đối thoại thiện chí với Nga mới có thể giải quyết thỏa đáng cuộc khủng hoảng đang gây ra hàng loạt những khó khăn chống chất với châu Âu như hiện nay.