(VOV5) - Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống báo chí, truyền thông đã phản ánh rõ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam.
Việt Nam đang trong dịp kỷ niệm 99 năm ngày ra đời nền báo chí cách mạng (21/6/1925 - 21/6/2024). Trong gần 1 thế kỷ qua, hệ thống báo chí của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, là kênh kết nối hiệu quả giữa các cấp chính quyền với nhân dân, hướng tới mục tiêu cao nhất là phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống báo chí, truyền thông đã phản ánh rõ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam.
Trong gần một thế kỷ qua, kể từ ngày báo Thanh niên, tờ báo khởi đầu của nền báo chí cách mạng Việt Nam, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số báo đầu tiên, lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vai trò quan trọng và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Ảnh minh họa: Hoạt động của VOV tại Hội báo toàn quốc 2024. Ảnh: VOV
|
Sự phát triển sôi động
Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy đến năm 2023, Việt Nam có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, tăng gấp 6 lần so với năm 2000. Nhìn tổng thể, báo chí Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ; vừa tăng loại hình, tăng số lượng cơ quan báo chí, tăng số đầu báo, tạp chí, ấn phẩm, tăng số lượng phát hành, phạm vi phủ sóng và tăng số lượng nhà báo.
Với sự hỗ trợ của công nghệ, hệ thống báo điện tử đang hoạt động ngày càng mạnh mẽ, tạo ra sự tương tác tích cực đối với bạn đọc. Sau 26 năm kết nối internet, Việt Nam đã có hệ thống công nghệ viễn thông hiện đại với độ phổ cập cao. Tính đến tháng 9 năm 2023, Việt Nam có 78 triệu người sử dụng internet, tăng 21% so với số thuê bao năm 2019. Đến nay, các cơ quan báo chí Việt Nam đã có trên nền tảng mạng internet. Một số cơ quan báo chí đã tiên phong và khá thành công trong việc ứng dụng các công nghệ số tiêu biểu, như: Trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Big Data... Để thích ứng với thời đại, hàng trăm cơ quan báo chí cũng xây dựng các kênh truyền thông của mình trên các trang mạng xã hội, như: Facebook, Youtube, Tiktok…
Trong thế giới phẳng ngày nay, hợp tác quốc tế về báo chí ngày càng phát triển theo hướng hợp tác đa quốc gia và đa lĩnh vực. Hơn 40 hãng truyền thông quốc tế lớn trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam, như: CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn Asia (Hàn Quốc), Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc), Hãng thông tấn Rossiya Segodnya (Nga)... Các nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp. Hằng năm, nhiều nhà báo Việt Nam được đi học tập, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tác nghiệp báo chí tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Đảm bảo tự do báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển
Việt Nam đã, đang tham gia và nghiêm túc thực hiện các cam kết của mình về vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí theo Hiến chương Liên hợp quốc và các nghị định, hiệp ước quốc tế, khu vực liên quan.
Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực rất đánh khích lệ trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận. Điều đó thể hiện cụ thể trong Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định về quyền con người cơ bản của người dân Việt Nam theo đúng các điều quốc tế.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện các điều trong Hiến pháp Việt Nam liên quan đến quyền dân sự chính trị, đặc biệt là quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, Việt Nam đã ban hành Luật tiếp cận thông tin năm 2016. Nhiều nội dung của Luật tiếp cận rất cởi mở, tiến bộ, đạt chuẩn về quyền con người của quốc tế và quyền tiếp cận thông tin.
Cùng với đó, Luật báo chí Việt Nam 2016 cũng quy định rất rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí Việt Nam, đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin báo chí. Đó là nỗ lực rất lớn của Nhà nước Việt Nam trong việc triển khai thực hiện những cam kết quốc tế liên quan đến quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận.
Ngoài ra, Nhà nước cổ vũ, định hướng trong quá trình chuyển đổi số, số hóa, ứng dụng công nghệ cho báo chí rất rõ ràng và có sự đầu tư xứng đáng đẻ phát triển các cơ quan báo, đài lớn, chủ lực trong nền báo chí Việt Nam.
Bảo đảm tự do báo chí, tự do ngôn luận là mục tiêu nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, được khẳng định và bảo đảm thực hiện thông qua Hiến pháp và các quy định của pháp luật, phù hợp với các quy định của quốc tế. Những thành quả trong 99 năm phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam là minh chứng rõ ràng về điều đó.