(VOV5) - Nhưng suốt nhiều năm qua, quá trình đàm phán COC liên tục bị trì hoãn bất chấp nỗ lực của các thành viên ASEAN, chủ yếu là do có sự khác biệt giữa các bên.
Năm 2017 ghi nhận bước tiến quan trọng trên cục diện Biển Đông khi 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc chính thức thông qua Dự thảo khung cho Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) sau nhiều năm đàm phán. Tuy còn nhiều thách thức song đây được xem là một trong những bước tiến quan trọng, giúp kiểm soát các căng thẳng có thể bùng phát liên quan tranh chấp trên Biển Đông.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 diễn ra ở Manila, Philippines - Ảnh: TTXVN |
Ngày 6/8/2017, tại Manila, Philippines, Ngoại trưởng 10 nước ASEAN và Trung Quốc đã chính thức đặt bút ký, thông qua Dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), khởi động cho tiến trình đàm phán thực chất COC, có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Bản dự thảo khung COC được coi như một "phác thảo" định nghĩa bản chất của Bộ quy tắc ứng xử, nêu chi tiết cơ sở pháp lý cũng như cách hành xử của các nước trong khu vực.
Thành quả bước đầu của tạo dựng lòng tin
Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông được nêu ra từ thập niên 1990, bắt đầu được ASEAN và Trung Quốc thảo luận từ năm 2002, trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên vùng biển này gia tăng. Nhưng suốt nhiều năm qua, quá trình đàm phán COC liên tục bị trì hoãn bất chấp nỗ lực của các thành viên ASEAN, chủ yếu là do có sự khác biệt giữa các bên.
Từ năm 2013, Trung Quốc nhất trí bắt đầu quá trình tham vấn chính thức về bộ quy tắc ứng xử. Và sau gần 4 năm đàm phán, ASEAN và Trung Quốc mới hoàn tất dự thảo khung của COC vào giữa năm 2017. Dẫu còn cả một chặng đường dài để COC trở thành bộ quy tắc hoàn chỉnh và đi vào thực tiễn, nhưng việc đạt được bộ khung COC có thể xem là bước tiến có ý nghĩa quan trọng, thể hiện lòng tin giữa ASEAN và Trung Quốc bước đầu đã được nhen lên. Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao, cho rằng: COC bản chất không phải là một cơ chế để giải quyết tranh chấp nhưng COC tạo ra lòng tin cũng như cơ chế đối thoại giữa các bên, cũng như cung cấp nguyên tắc qua đó các bên xử lý các vấn đề với nhau, trong đó có xử lý vấn đề tranh chấp. Ví dụ như nguyên tắc sử dụng các biện pháp hòa bình, đối thoại, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, hoặc là các nguyên tắc về tự do, an toàn, an ninh hàng hải. Bản thân thể chế này không giải quyết tranh chấp mà đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện để các quốc gia đi đến giải quyết tranh chấp.
Chiến sỹ hải quân Việt Nam canh gác bên cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Lớn - Ảnh: Vietnam+ |
Có thể thấy, 1 năm qua kể từ sau khi Tòa trọng tài thường trực đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines ở Biển Đông, vùng biển này đã vượt khỏi sự quan tâm của các nước có tuyên bố chủ quyền, trở thành mối quan tâm rộng khắp của các nước ngoài khu vực. Vấn đề Biển Đông còn xuất hiện và trở thành đề tài quan trọng trên bàn nghị sự của các diễn đàn, các cơ chế hợp tác đa phương như G7, APEC...Và dĩ nhiên, trước động thái tiến triển quan trọng này, dự thảo khung COC được dư luận quốc tế hết sức hoan nghênh. Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever bày tỏ: Thời gian qua chúng ta đã chứng kiến nỗ lực rất lớn của các bên để xây dựng COC và mặc dù còn rất nhiều vấn đề chưa được ngã ngũ nhưng ít nhất chúng ta đã nhìn thấy tiềm năng, thấy niềm tin để tiếp tục xây dựng bộ quy tắc này. COC có thể trở thành một công cụ có ý nghĩa và hiệu quả, giúp chúng ta có thể quản lý các hoạt động trên Biển Đông cũng như đảm bảo một môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực.
Cần thêm rất nhiều nỗ lực để Biển Đông “lặng sóng”
Việc thông qua được dự thảo khung COC là tín hiệu tích cực trong quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc. Đồng thời thể hiện sự đồng thuận của 10 nước ASEAN trong một vấn đề vốn phức tạp và nhạy cảm ở khu vực nhiều năm qua. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Thách thức đầu tiên mà ASEAN phải đối mặt trong quá trình đàm phán COC là các bên phải đưa ra một quan điểm thống nhất về vấn đề Biển Đông. Một thách thức nữa là hiệu lực pháp lý của văn kiện. Điều này rất cần nỗ lực và thiện chí của tất cả các bên. Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh cho rằng: Bản thân luật pháp quốc tế đã đóng vai trò quan trọng đối với khu vực này, nhưng vẫn còn thiếu, thiếu những thỏa thuận, những cam kết của các quốc gia trong việc triển khai các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đảm bảo một sự trật tự, hòa bình, ổn định chung. Công ước Luật biển Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS) có cung cấp cơ chế giải quyết tranh chấp còn COC thì không. Tuy nhiên, tôi cho rằng mong muốn của ASEAN là muốn đàm phán COC phải càng sớm càng tốt, những nội dung của COC phải là thực chất và có giá trị về mặt pháp lý.
Câu hỏi về tính ràng buộc pháp lý của COC chắc chắn sẽ là một vấn đề chủ chốt trong quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc thời gian tới. Tuy nhiên, với sức sống và tầm ảnh hưởng của ASEAN 5 thập kỷ qua, cùng với các thể chế khu vực hiện có, hy vọng ASEAN và Trung Quốc sẽ sớm đạt được nhất trí chung về một Bộ quy tắc hoàn chỉnh, góp phần định hướng cách hành xử của các bên ở Biển Đông trong thời gian tới, với mục tiêu cuối cùng là hòa bình, ổn định, hợp tác, cùng phát triển cho tất cả các bên.