(VOV5) - Điều dư luận quan tâm hơn cả trong vấn đề này là: ai sẽ là người thay thế ông Suga để tiếp tục lãnh đạo LDP cũng như đảm đương chức Thủ tướng Nhật Bản.
Những ngày qua, những diễn biến trên chính trường Nhật Bản sau tuyên bố sẽ từ chức của Thủ tướng Yoshihide Suga, thu hút sự chú ý lớn của dư luận khu vực và quốc tế. Trong đó, vấn đề ai sẽ thay thế ông Suga và nhà lãnh đạo kế nhiệm sẽ đương đầu với những khó khăn hiện nay như thế nào, được đặc biệt quan tâm.
Ngày 3/9, trong cuộc họp của đảng Tự do Dân chủ (LDP) cầm quyền, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố sẽ không tranh cử chức chủ tịch đảng LDP trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra cuối tháng 9 này. Tuyên bố trên đồng nghĩa với việc Thủ tướng Yoshihide Suga sẽ từ chức.
Thủ tướng Suga Yoshihide tại một cuộc họp báo ở Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: AFP/TTXVN |
Thủ tướng Yoshihide Suga tuyên bố từ nhiệm
Ngày 16/9/2020, ông Yoshihide Suga (khi đó là Chánh Văn phòng Nội các) đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Hạ viện Nhật Bản, trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe (từ chức vì lý do sức khỏe). Tại thời điểm ông Suga nhậm chức Thủ tướng, chỉ số tín nhiệm với Nội các Nhật Bản đạt trên 70%, cho thấy kỳ vọng lớn của công chúng đối với tân Thủ tướng trong điều hành đất nước, đứng đầu là việc kiểm soát dịch Covid-19.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến chủng Delta, như nhiều quốc gia khác, Nhật Bản tiếp tục hứng chịu làn sóng dịch nghiêm trọng, tác động bất lợi đến hoạt động kinh tế và cuộc sống người dân. Đánh giá đầu tháng 9/2021 của Nikkei Asia cho thấy, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới có chỉ số hồi phục sau dịch trong tháng 8/2021 xếp ở nửa sau của bảng xếp hạng gồm 121 nước được khảo sát (hạng 72). Thực tế này khiến Thủ tướng Suga và các thành viên Chính phủ đối mặt với búa rìu dư luận. Hệ quả là sau đúng một năm, chỉ số tín nhiệm với Chính phủ của Thủ tướng Suga giảm mạnh xuống còn 30%, mức thấp hiếm thấy với một Nội các Nhật Bản trong nhiều năm qua.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida. Ảnh: AP |
Điều này phần nào được lý giải trong tuyên bố sẽ không tham gia tranh cử của Thủ tướng Suga khi ông nói rằng muốn dành khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ để tập trung cho công tác ứng phó dịch bệnh, thay vì tiến hành nỗ lực vận động tranh cử.
Bối cảnh nhiều thách thức
Tại Nhật Bản, việc từ chức của các chính khách, kể cả cấp Thủ tướng, được xem là điều bình thường. Việc Thủ tướng Suga quyết định sẽ từ chức chỉ sau 1 năm lãnh đạo Chính phủ, cũng không phải là trường hợp hiếm. Ví dụ, giai đoạn 2006-2012, có tới 6 chính khách nhậm chức Thủ tướng. Cá biệt, có Thủ tướng chỉ tại vị trong hơn 2 tháng như trường hợp Thủ tướng Hata Tsutomu (từ tháng 4/1994 đến tháng 6/1994). Bản thân Thủ tướng tiền nhiệm Abe ở nhiệm kỳ đầu tiên (2006-2007) cũng kết thúc chức vụ chỉ sau đúng 1 năm.
Vì vậy, điều dư luận quan tâm hơn cả trong vấn đề này là: ai sẽ là người thay thế ông Suga để tiếp tục lãnh đạo LDP cũng như đảm đương chức Thủ tướng Nhật Bản. Hiện tại, truyền thông và dư luận Nhật Bản đang đề cập một số nhân vật có thể tham gia cuộc đua chức Chủ tịch LDP tới đây như cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida, cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Sanae Takaichi, Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Kono, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và có thể là cả cựu Thủ tướng Shinzo Abe.
Theo giới phân tích, dù chính khách nào trở thành lãnh đạo mới của LDP sau cuộc bầu cử dự kiến vào cuối tháng 9 này, cũng sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực và thách thức lớn. Đầu tiên là nhiệm vụ đảm bảo chiến thắng của đảng LDP trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới trong bối cảnh uy tín của LDP đang suy giảm. Tiếp đến là loạt nhiệm vụ gồm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khôi phục tăng trưởng kinh tế và cuối cùng là đảm bảo vị thế quốc tế của cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.