(VOV5) - Một số quy định trong Hiệp ước về việc tạm giữ, xét duyệt nhanh hồ sơ, tăng tốc việc trục xuất và hồi hương… gặp nhiều chỉ trích.
Hôm 10/04, Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu thông qua Hiệp ước di cư và tị nạn mới. Đây được xem là bước tiến lịch sử của khối này trong việc ứng phó với 1 trong những thách thức lớn nhất mà châu Âu phải đối mặt trong hơn 1 thập kỷ qua.
Người di cư được đưa tới cảng La Restinga, quần đảo Canary, Tây Ban Nha, sau khi được giải cứu trên biển. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Hiệp ước mới về di cư và tị nạn của Liên minh châu Âu (EU) là một gói gồm 10 điều luật, được các quốc gia thành viên EU thông qua vào tháng 12 năm ngoái, trong đó trọng tâm là việc chia sẻ trách nhiệm giữa các nước thành viên, đồng thời đẩy nhanh quy trình sàng lọc người di cư và tị nạn.
Bước tiến lịch sử
Theo Hiệp ước mới được thông qua, EU sẽ xây dựng một cơ chế sàng lọc bắt buộc đối với những người di cư tại các cửa khẩu biên giới của EU, bao gồm việc nhận dạng, thu thập dữ liệu sinh trắc học cũng như kiểm tra sức khỏe. Các dữ liệu này sau đó sẽ được nhập vào một bộ cơ sở dữ liệu chung của EU mang tên Eurodac. Dựa trên các dữ liệu này, những người được đánh giá “ít có khả năng” được chấp nhận tị nạn sẽ được tập trung vào các trung tâm tiếp nhận tạm thời trong thời gian chờ xử lý hồ sơ. Tuy nhiên, việc xử lý hồ sơ sẽ được thực hiện theo quy trình rút gọn (ngắn nhất là 7 ngày), để có thể nhanh chóng trả những người bị từ chối về lại nơi xuất phát.
Điểm lớn đáng chú ý thứ hai của Hiệp ước mới là việc san sẻ trách nhiệm giữa các nước thành viên EU. Theo đó, EU vẫn sẽ giữ “hệ thống Dublin”, tức nguyên tắc nước đầu tiên mà người di cư, tị nạn đặt chân đến có nghĩa vụ phải tiếp nhận và xử lý các đơn xin tị nạn. Tuy nhiên, Hiệp ước mới luật hóa việc chia sẻ trách nhiệm trong nội bộ EU, bắt buộc các quốc gia khác phải tham gia vào việc tiếp nhận, tái định cư cho những người di cư, tị nạn hoặc những người được hưởng sự bảo vệ quốc tế trên lãnh thổ của họ. Trong trường hợp từ chối tiếp nhận, quốc gia đó bắt buộc phải đóng góp tài chính hoặc cung cấp hỗ trợ vật chất và kỹ thuật cho quốc gia ở tuyến đầu. Đây là thay đổi đặc biệt quan trọng bởi các tranh cãi về “hạn ngạch” (quota) người tị nạn đã chia rẽ nghiêm trọng nội bộ EU trong khủng hoảng tị nạn 2015-2016, khi nhiều nước, như: Hungary, Ba Lan, CH Czech, Slovakia (nhóm Visegrad) kiên quyết từ chối tiếp nhận người tị nạn trong khi Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha phải tiếp nhận hàng trăm ngàn người.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP), bà Roberta Metsola. Ảnh: globeecho
|
Việc thông qua được Hiệp ước mới về di cư và tị nạn được xem là một thành công chính trị lớn của EU vào thời điểm chỉ còn 2 tháng nữa là đến bầu cử Nghị viện châu Âu (6-9/06). Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP), bà Roberta Metsola ca ngợi đây là một mốc lịch sử với EU sau 8 năm bế tắc:“Chúng ta đã bỏ phiếu thông qua một gói quy định cung cấp một bộ khung pháp lý vững chắc, có giá trị như nhau với mọi quốc gia thành viên. Hiệp ước này đặt con người lên trên hết, thấu hiểu những khác biệt và các khía cạnh phức tạp của vấn đề, đồng thời bảo đảm an ninh cho biên giới bên ngoài của EU, mang lại sự rõ ràng trong quy định áp dụng và đảm bảo sự cân bằng giữa sự đoàn kết và trách nhiệm”.
Nhiều lãnh đạo khác của châu Âu, như: Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen; Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng ca ngợi Hiệp ước mới là bước tiến quan trọng của châu Âu trong việc ngăn chặn làn sóng di cư bất thường đang có xu hướng gia tăng trở lại trong vài năm qua. Trong khi đó, ông Matteo Piantedosi, Bộ trưởng Nội vụ Italy, quốc gia EU phải tiếp nhận nhiều người di cư, tị nạn nhất, cũng cho rằng Hiệp ước mới là tập hợp “những thỏa hiệp tốt nhất có thể” giữa các nước EU vào thời điểm này.
Tranh cãi về quyền của người di cư
Tuy nhận được nhiều đánh giá tích cực từ lãnh đạo EU nhưng Hiệp ước mới cũng gặp không ít chỉ trích. Trước và sau phiên bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu, 161 tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền, trong đó có những tổ chức lớn, như: Ân xá quốc tế (Amnesty International), Ủy ban cứu hộ quốc tế (International Rescue Committee) hay Oxfam… đã kêu gọi các nghị sĩ châu Âu phản đối Hiệp ước này do lo ngại việc siết chặt các quy định ngay tại nơi tiếp nhận sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của những người di cư, tị nạn đang chạy trốn chiến tranh, xung đột, đói nghèo và có quyền được bảo vệ theo luật pháp quốc tế. Trong đó, một số quy định trong Hiệp ước về việc tạm giữ, xét duyệt nhanh hồ sơ, tăng tốc việc trục xuất và hồi hương… gặp nhiều chỉ trích. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức bảo vệ quyền của người di cư, tị nạn phản đối Hiệp ước này vì cho rằng các đảng phái chính trong EP thông qua Hiệp ước mới vì lo ngại ảnh hưởng gia tăng của các đảng cánh hữu và dân túy trước thềm bầu cử châu Âu. Johannes Rueckerl, người phát ngôn của tổ chức phi chính phủ Seebrucke chuyên bảo vệ quyền của người di cư, cho biết:“Chúng tôi phản đối Hiệp ước di cư và tị nạn mới bởi vì sẽ không có gì được cải thiện. Nhiều thứ sẽ tệ hơn khi nhân quyền bị hạn chế. Những người di cư, tị nạn sẽ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn”.
Bên cạnh sự phản đối của nhiều tổ chức dân sự, việc áp dụng Hiệp ước mới trong thực tế tại các quốc gia EU cũng có thể sẽ gặp cản trở khi vẫn còn một số quốc gia (như Ba Lan) tiếp tục phản đối Hiệp ước. Ngoài ra, một số đảng cực hữu và dân túy ở các nước cũng chỉ trích Hiệp ước này vì cho rằng các quy định chưa đủ cứng rắn. Do đó, giới quan sát cho rằng khi Hiệp ước đi vào thực thi, dự kiến từ năm 2026, châu Âu vẫn sẽ tiếp tục phải tranh cãi về vấn đề di cư và tị nạn.