(VOV5) - Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân luôn quan tâm, chăm lo, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng. Sự quan tâm này thể hiện ở những chính sách cụ thể chăm lo cho đời sống hằng ngày của các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, những người có công. Cùng với đó là các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được thực hiện trong cả nước.
Hiện cả nước đã xác nhận gần 8,8 triệu người có công, chiếm khoảng 10% dân số. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách đối với người có công với cách mạng.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
thăm, tặng quà Tết thương bệnh binh Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh
Thực hiện hiệu quả chính sách với người có công
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị về Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong hai năm 2014 - 2015. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ động phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ký kết, triển khai chương trình. Việc thực hiện chính sách đối với người có công về cơ bản là đúng đối tượng, đủ chính sách và kịp thời về thời gian, tiến độ. Các chính sách đối với bảy nhóm đối tượng người có công là liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng, cựu thanh niên xung phong đã được tổ chức rà soát toàn diện, cụ thể, công khai và minh bạch từ cấp xã, phường, thị trấn với sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Công việc này góp phần làm an lòng người có công và an lòng cả những người đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tại buổi làm việc với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chiều 25/7 tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị: “Đợt vừa rồi xét tổng rà soát như vậy là có hiệu quả cụ thể, chỗ hưởng chưa đủ đến nay đã giải quyết được 62% rồi. Thống nhất phấn đấu đến 30/8, hoàn thành việc giải quyết chế độ cho người có công hưởng chưa đủ này, phấn đấu giải quyết trong năm nay".
Cùng với đó, Đảng và Nhà nước đã có chương trình xây dựng Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ và Đề án này giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì và thực hiện. Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã có 8 nghìn trường hợp liệt sĩ chưa có tên của Hội những gia đình gia đình liệt sĩ trao đổi lại thông tin lại với chúng tôi. Chúng tôi đã lấy mẫu phẩm của trên 8 nghìn trường hợp này cùng với 3 Viện của Bộ Quốc phòng, Bộ Công An và một viện của Viện Khoa học Việt Nam. Đây cũng là kết quả bước đầu và Chính phủ vừa rồi tiếp tục cho phép nâng cấp 3 trung tâm phân tích gen, làm thế nào để sớm xác định được danh tính liệt sĩ".
Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”
Cùng với các chính sách cụ thể, hoạt động tri ân công lao của các thương binh, liệt sĩ được thực hiện trong cả nước. Nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2015), các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đi thăm hỏi, động viên, tặng quà các thương binh, người có công, thân nhân liệt sĩ; dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Tối 26/7, tại Hà Nội, diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật tri ân liệt sĩ “Sáng mãi tên anh”, nhằm tri ân các gia đình liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với cách mạng. Tại chương trình giao lưu, các khán giả đã được nghe các bài hát cách mạng và xem các phóng sự về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của các Đội quy tập hài cốt liệt sĩ. Đặc biệt, khán giả có dịp được nghe những câu chuyện xúc động của những người đi tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong 3 Đội quy tập hài cốt liệt sĩ tại Lào, Campuchia và Việt Nam. Đại tá Nguyễn Văn Huy, Đội trưởng đội quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc Cục chính trị Quân khu 2, cho biết: “Trong công tác tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ trước hết chúng tôi phải xác định tìm kiếm được thông tin về mộ liệt sĩ nơi an táng các liệt sĩ trong các thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Nguồn thông tin cung cấp về thông tin mộ liệt sĩ chúng tôi phải xác định từ hồ sơ danh sách, sơ đồ mộ trí của các đơn vị tham gia chiến đấu. Nguồn thông tin nữa là các thân nhân gia đình liệt sĩ gửi đơn thư đến đơn vị cung cấp thông tin. Nguồn thông tin nữa là từ các đồng đội là các cựu chiến binh cùng chiến đấu với các liệt sĩ và trực tiếp an táng các liệt sĩ".
Bia tưởng niệm liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ.
Cũng trong tối 26/7, tại các nghĩa trang Liệt sĩ trên toàn quốc, tổ chức lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ. Tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, Đoàn Khối doanh nghiệp Trung ương, Đoàn Thanh niên Bộ Công an tổ chức lễ thắp nến tri ân, thể hiện sự biết ơn của thế hệ tuổi trẻ hôm nay đối với các anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương chiến đấu anh dũng, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Phong trào đền ơn, đáp nghĩa, toàn dân tham gia chăm sóc người có công phát triển sâu, rộng từ Trung ương đến địa phương. Các bản làng, thôn xóm, khu dân cư đều quan tâm chăm sóc người có công với nhiều nghĩa cử cao đẹp và đã đạt hiệu quả thiết thực, trở thành trách nhiệm xã hội, tình cảm và nét đẹp văn hóa của dân tộc.