(VOV5) - Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ, không chỉ của dư luận trong nước, mà cả cộng đồng quốc tế. Cộng đồng quốc tế cho rằng cách hành xử của Trung Quốc không chỉ vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế mà còn làm xói mòn lòng tin, và nguy hiểm hơn, nó còn tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong quan hệ quốc tế.
Cách hành xử không tôn trọng chủ quyền của quốc gia khác
Trong một bài viết, trang ngôn luận Interpreter của Viện chính sách quốc tế Lowy tại Australia đã đặt câu hỏi phải chăng căng thẳng tại Biển Đông đã không xảy ra trước khi Trung Quốc mạnh lên và tư tưởng nước lớn của Bắc Kinh ngày càng thể hiện rõ trong các mối bang giao?
Bằng tham vọng của mình, các nhà cầm quyền Trung Quốc đã có những bước toan tính nhằm cụ thể hóa việc khẳng định tham vọng ở biển Đông qua yêu sách về “đường lưỡi bò 9 đoạn”. Mọi bước đi của Bắc Kinh nhằm hiện thực hóa tham vọng này không khó để các nhà quân sự, nhà nghiên cứu pháp luật, học giả quốc tế nhận ra. Tướng Daniel Schaeffer, nguyên Tùy viên quân sự Đại sứ quán Pháp tại Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, nay là chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu châu Á 21 của Pháp, cho rằng: Mục đích dễ nhận thấy của Trung Quốc là bằng sức mạnh, hoặc bằng việc lẳng lặng hành động, buộc các nước phải công nhận rằng 80% biển Đông nằm trong “đường lưỡi bò 9 đoạn” là lãnh hải của Trung Quốc. Đó là mục đích đầu tiên. Tại sao ư? Đó là vì Trung Quốc muốn độc chiếm nguồn tài nguyên. Nhưng nguồn lợi tài nguyên đó chỉ là bề nổi để che giấu thực tế là Trung Quốc muốn tạo ra một lối đi an toàn cho tất cả các tàu ngầm của mình ra vào căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam, qua các khu vực nước sâu ở biển Đông hoặc đi qua eo biển giữa Philippines và Đài Loan.
Trong khi đó, ông Anton Svetov, chuyên viên Hội đồng Đối ngoại Nga, cho rằng các vụ gây hấn tương tự của Trung Quốc đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ với một số nước láng giềng, nhưng “lần này đi xa hơn và nguy hiểm hơn” với một hành động được lên kế hoạch bài bản. Việc Trung Quốc huy động một đội tàu hùng hậu để hộ tống giàn khoan đã đủ nói lên tất cả.
Phá vỡ mọi nỗ lực xây dựng quan hệ hợp tác, hữu nghị
Để thực hiện tham vọng của mình, Bắc Kinh không ngần ngại bất chấp luật pháp quốc tế, các thỏa thuận đã cam kết, sử dụng mọi biện pháp, từ đe nẹt đến dùng vũ lực với các nước láng giềng có lợi ích, chủ quyền trên biển Đông. Những hành vi nguy hiểm của Trung Quốc đang khiến dư luận thực sự bất bình.
Năm 2011, Trung Quốc đã ký với Việt Nam Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, theo đó hai bên đồng ý giải quyết các tranh chấp ở biển Đông một cách hòa bình, thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ song phương, việc Trung Quốc ngang nhiên đem giàn khoan vào vùng biển Việt Nam còn là hành động bội tín với cả khối ASEAN, đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã đặt bút ký với các nước ASEAN từ năm 2002. Ông Gregory Poling, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ, khẳng định: Với mỗi bước đi như thế này, Trung Quốc đã phá hủy thiện chí mà họ xây dựng tại Đông Nam Á, đẩy các quốc gia láng giềng gần gũi nhất ngày một rời xa, tự tạo nên hình ảnh của một kẻ phá đám trong hệ thống quốc tế, hoàn toàn không thể trở thành một cường quốc đang nổi có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Các nước sẽ mất lòng tin vào cam kết của Trung Quốc đối với các hiệp định khác.
Tiền lệ nguy hiểm trong quan hệ quốc tế
Dư luận quốc tế cho rằng với cách hành xử như vậy, Bắc Kinh đã “vượt qua một lằn ranh quan trọng” và trên hết làm xói mòn lòng tin với một quốc gia vẫn tự cho mình là cường quốc, luôn nỗ lực trong việc xây dựng mối quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng. Song, hành động này của Trung Quốc còn tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm trong quan hệ quốc tế, đó là “một quốc gia có thể lợi dụng quy mô và sức mạnh để bắt nạt các nước láng giềng, phớt lờ luật pháp quốc tế”. Dư luận cho rằng nếu hành động này không bị lên án và ngăn chặn, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hành động khiêu khích, đưa thế giới trở lại thời kỳ hỗn loạn với sức mạnh quân sự và sự hiếu chiến có thể tạo ra sự thống trị của mỗi quốc gia. Đây không phải là điều mà các dân tộc yêu chuộng hòa bình mong đợi vì nó đi ngược lại lợi ích của cộng đồng khu vực và quốc tế.
Rõ ràng dư luận thế giới đang cần một câu trả lời từ Trung Quốc. Cần khẳng định rằng cách thức suy nghĩ và hành động của Trung Quốc đang đi ngược xu thế chủ đạo trên thế giới ngày nay là hợp tác, tôn trọng và tạo dựng lòng tin lẫn nhau để giải quyết hòa bình và hài hòa lợi ích của các bên./.