Cải cách thủ tục hành chính, khâu đột phá để phát triển

(VOV5) - Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2001-2011 của VN đã đạt được những kết quả khả quan và thực sự có bước tiến vượt bậc, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu đơn giản hóa các thủ tục hành chính rườm rà, cắt giảm đáng kể các chi phí trong thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp vẫn sẽ là những trọng tâm của cải cách thủ tục hành chính trong giai đoạn tới.


Cải cách thủ tục hành chính, khâu đột phá để phát triển - ảnh 1

Điểm nhấn của chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2012 là việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 – 2010 gọi tắt là Đề án 30. Lần đầu tiên Chính phủ đã tạo ra một kênh chính thức để lắng nghe, thu thập các ý kiến của khối tư nhân với việc thành lập hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính. Một trong những lĩnh vực được người dân và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm về cải cách thủ tục hành chính là lĩnh vực thuế. Thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, ngành thuế đã đạt được những kết quả khả quan, đơn giản hóa được 271 trong tổng số 330 bộ thủ tục hành chính, tiết kiệm gần 2.000 tỷ đồng mỗi năm, trong đó công nghệ thông tin được xem là chìa khóa trong cải cách thủ tục hành chính của ngành. Bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó trưởng Ban cải cách và hiện đại hóa của Tổng cục Thuế, cho biết: “Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin thì gần như tất cả thủ tục hành chính về thuế đều được Tổng cục thuế nghiên cứu để sửa đổi đơn giản hơn, rõ ràng hơn cho người dân và doanh nghiệp như các mẫu tờ khai thuế cũng đang được nghiên cứu sửa đổi trong quá trình sửa đổi Thông tư 60 theo hướng bỏ tất cả chỉ tiêu không cần thiết, nội dung trùng lắp giữa các mẫu biểu kê khai, đặc biệt là thủ tục  hoàn thuế thu nhập cá nhân.”


Trong khi đó, ngành Bảo hiểm xã hội đã lấy việc phân cấp làm đột phá trong cải cách thủ tục hành chính và điều này đã mang lại những hiệu quả tích cực. Tại Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng, nếu như trước mọi chế độ chính sách về Bảo hiểm xã hội đều phải giải quyết ở cấp thành phố thì nay được chuyển về cho cấp quận. Hiệu quả của việc phân cấp là người dân giảm được khoảng cách, số lần cũng như chi phí đi lại, còn với cơ quan bảo hiểm thì tránh được tình trạng người dân chờ đợi, nguyên nhân của nạn sách nhiễu, cửa quyền. Ông Trương Văn Quý, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng, cho biết: “ Lấy việc phân cấp quản lý là cái đột phá trong cải cách thủ tục hành chính Bảo hiểm xã hội thành phố Hải phòng, xây dựng lại quy trình giải quyết từng loạii công việc thì chúng tôi đã thay đổi được nhận thức, lề lối, tác phong làm việc và nâng cao năng lực trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ công chức của cơ quan. Thêm nữa là chúng tôi sẽ tinh giản nhiệm vụ tổ chức bộ máy, con người ở cấp thành phố chuyển về cấp quận huyện, là nơi trực tiếp giải quyết các công việc cho người dân.”


Thực tiễn từ ngành thuế và ngành bảo hiểm xã hội là dẫn chứng sinh động trong tổng thể chương trình lớn về cải cách thủ tục hành chính ở VN. Đến nay cả nước đã có 258 thủ tục ưu tiên được đơn giản hóa hoặc mẫu thống nhất hoá trong toàn quốc. Nhiều yêu cầu điều kiện có thể gây phiền hà được loại bỏ. Việc đơn giản hóa số thủ tục đã tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp khỏang 5.700 tỷ đồng một năm. Kết quả của những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính là lần đầu tiên Việt Nam có một cơ sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tổ trưởng tổ công tác chuyên trách về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cho biết: Chúng ta đã cơ bản rà soát xong và đảm bảo được 2 tiêu chí quan trọng, đó  là dã đơn giản hóa được tối thiểu 30% số thủ tục hành chính đã được công bố và đi liền với nó là giảm các chi phí trong thủ tục hành chính khoảng 30%. Đây là một thành công hết sức quan trọng mà đặc biệt là nhiều bộ ngành, nhiều địa phương đã hoàn thành vượt mức quy định mà Thủ tướng đã giao.


Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, VN thể hiện rõ quyết tâm trong cải cách, hoàn thiện nền hành chính. Đó là: tập trung xây dựng nền hành chính nhà nước, trong sạch, vững mạnh, đảm bảo quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng và chỉ đạo thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 trên tất cả các khâu: thể chế, tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức và hiện đại hóa nền hành chính quốc gia, đúng với vị trí là một trong những nội dung của đột phá chiến lược. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng tôi vẫn tiếp tục đề nghị là một cửa, một cửa liên thông. Rồi giám sát, công khai hóa, minh bạch hóa thủ tục hành chính, rồi theo dõi đội ngũ cán bộ chúng ta ở các bộ, ngành khi làm việc, tiếp xúc với nhân dân, với doanh nghiệp. Thời gian tới phải hạn chế tối đa các doanh nghiệp đang phát sinh trong quá Việt Nam đang xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiệu quả và có hiệu suất cao, góp phần hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, lãng phí và phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế./.

Phản hồi

Các tin/bài khác