Cần một giải pháp ngoại giao mới cho bán đảo Triều Tiên

(VOV5) - Giữa lúc CHDCND Triều Tiên kiên quyết tiến hành vụ thử  hạt nhân lần thứ 3, nhằm đáp trả Nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về vụ phóng vệ tinh của nước này hồi tháng 12 năm ngoái, ngày 30/1, Hàn Quốc  loan báo đã phóng thành công tên lửa đẩy mang theo vệ tinh vào quỹ đạo không gian. Vụ việc khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên bị đẩy lên mức căng thẳng mới và dư luận dự báo, nếu không có một giải pháp ngoại giao mới, toàn diện hơn thì tình hình ở khu vực này chắc chắn sẽ khó nằm trong tầm kiểm soát của các bên trong những ngày tới.

Cần một giải pháp ngoại giao mới cho bán đảo Triều Tiên - ảnh 1
Vụ phóng tên lửa ngày 12-12-2012 của Triều Tiên là nguyên nhân khiến HĐBA LHQ thông qua nghị quyết trừng phạt mới. Ảnh: A.P

Tên lửa đẩy Naro hay còn gọi là Korea Space Launch Vehicle-1 (KSLV-1) đã rời khỏi trung tâm vũ trụ Hàn Quốc ở bờ biển phía nam Hàn Quốc vào chiều  30/1, theo giờ địa phương. Vụ phóng đã diễn ra đúng kế hoạch và tên lửa đạt tới độ cao mục tiêu. Thông tin này được các nhà chức trách Hàn Quốc khẳng định và đây là nỗ lực phóng tên lửa đưa vệ tinh vào không gian lần thứ ba của Hàn Quốc trong vòng 4 năm qua. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như niềm hân hoan này không phải thuộc về Hàn Quốc và mối quan hệ Seoul-Bình Nhưỡng trong nhiều năm qua êm ấm. Nhưng sự thật thì ngược lại. Đã từ lâu quan hệ căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên, cùng với thái độ thù địch của Mỹ, Hàn Quốc về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã hủy hoại mọi nỗ lực xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Chính vì vậy, chương trình tên lửa của Hàn Quốc đã khiến quốc gia láng giềng vô cùng giận dữ và trong một tuyên bố mới nhất, Bình Nhưỡng cho rằng thật không công bằng khi vụ phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào quỹ đạo của nước này lại chịu các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.


Sau khi Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào CHDCND Triều Tiên khi nước này tiến hành phóng tên lửa ngày 12/12/2012, Bình Nhưỡng đã nhiều lần lên tiếng dọa tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3. Mới nhất, tại Hội nghị Bí thư đảng bộ cơ sở của Đảng Lao động Triều Tiên ngày 29/1, ông Kim Ki-nam, Bí thư Đảng phụ trách tuyên truyền Triều Tiên, đã kêu gọi toàn thể người dân tham gia “một cuộc đối đầu tổng lực” để đáp trả các mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Hàn Quốc và Mỹ. Trước đó, Bình Nhưỡng dọa sẽ tấn công Seoul nếu nước này tiếp tục hùa theo lệnh trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ tẩy chay tất cả các cuộc đối thoại liên quan đến việc chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này. Trước đến nay, CHDCND Triều Tiên luôn giữ vững lập trường việc thử hạt nhân là đòi hỏi của nhân dân và không gì có thể ngăn cản nước này trở thành 1 cường quốc quân sự.


Cần một giải pháp ngoại giao mới cho bán đảo Triều Tiên - ảnh 2
Cơ sở làm giàu urani tại Yongbyon. (Nguồn: ABC)

Trên thực tế, CHDCND Triều Tiên vẫn thường thực hiện những việc gì mà họ liên tục đe dọa là sẽ làm. Vì thế mà việc CHDCND Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 trong những ngày tới chắc chắn là điều không cần phải dự đoán. Đến thời điểm này, nhiều nguồn tin quân sự và tình báo Hàn Quốc cung cấp cho thấy các hoạt động chuẩn bị cho vụ thử này đang được CHDCND Triều Tiên tiến hành và thời điểm mà Bình Nhưỡng lựa chọn có thể là sinh nhật nhà lãnh đạo Kim Jong Il hay lễ nhậm chức của Tổng thổng đắc cử Hàn Quốc Park Geun-hye.

Từ tình hình hiện tại, giới phân tích nhận định, đã đến lúc cần có một giải pháp mới, toàn diện hơn thay thế cho những giải pháp cũ đã không phát huy hiệu quả suốt một thời gian dài. Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ trong khi Bình Nhưỡng luôn khẳng định việc phóng vệ tinh của nước này chỉ nhằm phát triển khoa học kỹ thuật, nằm trong kế hoạch nhằm xây dựng một nhà nước vững mạnh và thịnh vượng, thì Mỹ và Hàn Quốc cho rằng đó thực sự là các vụ thử nghiệm phi đạn trá hình, là hành động khiêu khích cao độ đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực. Sức ép lớn từ cộng đồng quốc tế hay sự hợp tác giữa Nhật Bản-Hàn Quốc trong việc can gián CHDCND Triều Tiên từ bỏ kế hoạch thử hạt nhân, có thể sẽ chẳng đem lại hiệu quả gì mà điều cần thiết và quan trọng nhất hiện nay là các bên liên quan cần hết sức bình tĩnh và kiềm chế, tránh mọi hành động làm leo thang căng thẳng, gây ảnh hưởng đến mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng xem ra vụ phóng tên lửa của Hàn Quốc đúng thời điểm “nóng” này là cú chọc giận với chính quyền của Đại tướng Kim Jong-un. Bán đảo Triều Tiên chắc chắn sẽ có những diễn biến xấu trong những ngày tới và hòa bình cho khu vực này vẫn là điều mong đợi./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác