(VOV5) - Người dân Venezuela hy vọng chính quyền của Tổng thống Maduro sẽ từng bước tháo gỡ được những khó khăn để Venezuela khôi phục vị thế là một trong những quốc gia có ảnh hưởng kinh tế và chính trị lớn nhất tại Nam Mỹ.
Những ngày gần đây, quan hệ giữa Venezuela với Mỹ và một số quốc gia Mỹ La tinh, đặc biệt là Peru, trở nên căng thẳng khi các bên có nhiều động thái chỉ trích lẫn nhau cũng như lời đe dọa can thiệp quân sự.
Mọi việc bùng phát sau khi cử tri Venezuela bầu ra Quốc hội lập hiến (ANC), cơ quan có nhiệm vụ sửa đổi Hiến pháp năm 1999 để giúp Venezuela vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Mâu thuẫn mới nảy sinh khiến Venezuela thêm khó khăn trong việc giải quyết khủng hoảng chính trị và kinh tế.
Tuy nhiên người dân Venezuela hy vọng chính quyền của Tổng thống Maduro sẽ từng bước tháo gỡ được những khó khăn để Venezuela khôi phục vị thế là một trong những quốc gia có ảnh hưởng kinh tế và chính trị lớn nhất tại Nam Mỹ.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu tại phiên họp Quốc hội ở thủ đô Caracas ngày 10/8 (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Bất chấp sự phản đối của phe đối lập ở Venezuela, Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố chiến thắng sau khi cơ quan bầu cử nước này thông báo số cử tri đi bầu Quốc hội lập hiến lên tới hơn 8 triệu người, tương đương 41,5%, cao hơn mức tối thiểu 15% theo quy định của Hiến pháp. Ông Nicolas Maduro cho rằng thành lập Quốc hội lập hiến là cách duy nhất để khôi phục trật tự sau nhiều tháng biểu tình của phe chống đối khiến Venezuela lâm vào bế tắc chính trị.
Nội bộ bất ổn
Trong khi Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử thì phe đối lập lại không công nhận kết quả này vì cho rằng chỉ có khoảng 12% cử tri đi bỏ phiếu. Thủ hiến bang Miranda, ông Henrique Capriles, lãnh đạo phe đối lập, kêu gọi những người ủng hộ xuống đường biểu tình phản đối. Trước đó, phe đối lập cũng đã tẩy chay sự kiện này bằng cách không đưa các ứng cử viên ra tranh cử.
Thực tế, khủng hoảng kinh tế tại Venezuela đã làm gia tăng những căng thẳng chính trị hiện nay tại quốc gia Nam Mỹ này. Từng là một trong những nước có ảnh hưởng kinh tế và chính trị lớn nhất tại Nam Mỹ, giờ đây, suy thoái ở quốc gia này đã vượt quá sự tưởng tượng của các nhà kinh tế. Từ 2013 – 2017, GDP của Venezuela sụt giảm tới 40%, nguồn thu nhập quốc gia cũng đã sụt giảm 51%. Để bắt kịp tình trạng lạm phát lên tới 720%, Tổng thống Maduro đã tăng lương tối thiểu lên 3 lần trong năm 2017 nhưng điều này càng khiến đồng Bolivar của Venezuela trượt giá tới 1000%. Hiện có tới 82% dân số quốc gia này ở trong tình trạng nghèo đói, thiếu lương thực, thực phẩm. Những con số trên cho thấy nền kinh tế Venezuela đang thực sự hỗn loạn và khó có thể phục hồi trong thời gian ngắn.
Trong bối cảnh đó, tháng 1/2016, việc lần đầu tiên trong vòng 18 năm, phe đối lập giành quyền kiểm soát Quốc hội Venezuela càng làm gia tăng khủng hoảng chính trị. Đáng quan ngại là tình trạng bạo lực leo thang căng thẳng do phe đối lập phát động trong gần 4 tháng qua đã khiến hơn 100 người thiệt mạng.
Gia tăng căng thẳng với một số quốc gia Mỹ Latinh
Mâu thuẫn chính trị tại Venezuela đã vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia này khi ngày 8/8, tại một hội nghị được Chính phủ Peru triệu tập bất thường để bàn về cuộc khủng hoảng hiện nay tại Venezuela, Ngoại trưởng 17 nước Mỹ Latinh đã ra Tuyên bố Lima không thừa nhận Quốc hội lập hiến của Venezuela. Cùng ngày, Ngoại trưởng Peru Ricardo Luna đã từ chối tham gia Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và vùng Caribe (CELAC) do Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đề xuất gần đây. Trong động thái phản đối, ông Saúl Ortega, thành viên Quốc hội lập hiến (ANC) Venezuela bác bỏ Tuyên bố Lima, đồng thời chỉ trích đây là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Caracas. Ông cũng chỉ trích việc khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đình chỉ vô thời hạn tư cách thành viên của Venezuela trong tổ chức này. Căng thẳng giữa Venezuela và Peru càng gia tăng khi Peru quyết định trục xuất Đại sứ Venezuela tại Lima Diego Alfredo Molero Bellavia về nước.
Phản đối sự đe dọa can thiệp từ Mỹ
Trong bối cảnh bất ổn nội bộ, căng thẳng với một số nước Mỹ Latinh chưa giải quyết xong, Venezuela lại phải đối phó với Mỹ sau khi ngày 11/8, Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố Mỹ có “nhiều lựa chọn đối với Venezuela, trong đó bao gồm cả khả năng hành động quân sự nếu cần thiết”. Bình luận về tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng, Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza cho rằng “lời đe dọa liều lĩnh” của Tổng thống Donald Trump là nhằm lôi kéo Mỹ Latinh và khu vực Caribbean vào một cuộc xung đột gây mất ổn định, hòa bình và an ninh khu vực. Tuyên bố của ông Trump là sự đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền cũng như quyền tự quyết của Venezuela. Nhiều người dân Venezuela cũng khẳng định phát biểu của ông Trump là sự đe dọa tới chủ quyền của nước này.
Viễn cảnh về một cuộc can thiệp quân sự của Mỹ tại khu vực cũng khiến nhiều nước Mỹ Latinh lo ngại, ngay cả những nước từng công khai chỉ trích Tổng thống Venezuela Maduro. Peru khẳng định lời đe dọa của Tổng thống Mỹ đi ngược các nguyên tắc của Liên hợp quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Luis Videgaray cho rằng cuộc khủng hoảng Venezuela không thể được giải quyết bằng các hành động quân sự, dù là từ bên trong hay bên ngoài. Chính phủ một loạt quốc gia như Cuba, Bolivia, Ecuador và Nicaragua cùng nhiều quốc gia Caribbean khác đều khẳng định sát cánh với Venezuela.
Venezuela đang tìm mọi cách để vượt qua khủng hoảng kinh tế, chính trị hiện nay. Những mâu thuẫn trong nội bộ và với các quốc gia láng giềng đang là những vật cản trong quá trình vượt qua khủng hoảng. Người dân Venezuela hy vọng chính quyền của Tổng thống Maduro sẽ từng bước tháo gỡ được những khó khăn để quốc gia Nam Mỹ này khôi phục được vị thế như trước đây: là một trong những quốc gia có ảnh hưởng kinh tế và chính trị lớn nhất tại Nam Mỹ.