(VOV5) - Các nước thành viên EU lại đang có những quan điểm khá khác biệt nhau về cách tiếp cận đối với cuộc khủng hoảng Belarus
Cùng với căng thẳng trên biển Địa Trung Hải giữa Thổ Nhỹ Kỳ và Hy Lạp, cuộc khủng hoảng chính trị tại Belarus đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận khu vực và thế giới những ngày này. Trong đó, vấn đề lưu tâm là nội bộ Liên minh châu Âu (EU) đang bộc lộ sự chia rẽ quan điểm sâu sắc về cách tiếp cận cuộc khủng hoảng.
Khủng hoảng chính trị tại Belarus khởi phát từ chiến dịch biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Belarus ngày 9/8 với chiến thắng áp đảo thuộc về đương kim Tổng thống Alexander Lukashenko.
Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, Tổng thống Nga Vladimia Putin đã gửi điện chúc mừng Tổng thống Alexander Lukashenko, đồng thời tái khẳng định cam kết thúc đẩy quan hệ đồng minh bền chặt Nga-Belarus. Trong cùng lúc, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước phương Tây lại lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình của phe đối lập nhằm phản đối kết quả bầu cử, đồng thời đe dọa áp đặt trừng phạt mạnh tay chống chính quyền Minsk. Thế nhưng, trong chính nội bộ EU cũng đang có sự chia rẽ sâu sắc về vấn đề này.
Người biểu tình xuống đường phản đối kết quả bầu cử. - Ảnh nguồn: Báo Kinh tế đô thị. |
Phản ứng của giới chức EU
Ngay trong ngày 9/8, ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố với chiến thắng tuyệt đối thuộc về Tổng thống Lukashenko, nhiều nhà ngoại giao EU và Mỹ đã tuyên bố coi cuộc bầu cử Tổng thống Belarus là không công bằng và không đảm bảo tự do. Viết trên Twiiter, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo sẽ tiến hành các biện pháp trừng phạt cần thiết nhằm vào các quan chức Belarus vì đã “vi phạm giá trị dân chủ và lạm dụng nhân quyền”. Tiếp đến, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EUC) Charles Michel tuyên bố, EU không công nhận những kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Belarus và “EU sẽ sớm áp đặt các lệnh trừng phạt với một số đối tượng chịu trách nhiệm về các hành vi bạo lực, đàn áp và gian lận bầu cử”.
Và chỉ đúng 10 ngày sau cuộc bầu cử tại Belarus, ngày 19/8, các nhà lãnh đạo EU đã khai mạc hội nghị trực tuyến khẩn cấp để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Belarus.
Tuy nhiên, các nước thành viên EU lại đang có những quan điểm khá khác biệt nhau về cách tiếp cận đối với cuộc khủng hoảng Belarus, nhất là trong vấn đề áp đặt biện pháp trừng phạt. Hệ quả là cho đến thời điểm này, EU vẫn chưa thể thống nhất được lập trường về các biện pháp trừng phạt Belarus, cho thấy sự chia rẽ rõ ràng trong nội bộ châu Âu về một trong những vấn đề nóng bỏng nhất của châu lục già hiện nay.
Sự chia rẽ quan điểm giữa các nước thành viên EU
Theo các nguồn tin châu Âu, EU đang lên danh sách các cá nhân ở Belarus bị phong tỏa tài sản hoặc cấm đi lại do có liên quan đến những bất ổn xảy ra tại nước này. Trong đó, một số quan chức cho rằng danh sách này có thể bao gồm khoảng 20 nhân vật, nhưng một số khác lại yêu cầu con số lớn hơn nhiều. Kết quả là đến ngày 31/8, mới chỉ có 3 thành viên EU là Estonia, Latvia và Litva ra lệnh cấm nhập cảnh đối với ông Lukashenko cùng 29 quan chức cấp cao khác của Belarus, trong khi 24 quốc gia thành viên còn lại của EU vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định chính thức nào.
Các nhà lãnh đạo EU họp trực tuyến khẩn cấp về tình hình bạo lực ở Belarus, ngày 19-8-2020. - Ảnh nguồn: Báo An ninh thủ đô. |
Đáng chú ý, nhiều nước lớn trong EU như Đức và Pháp, lại muốn ưu tiên thúc đẩy các giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng. Trong một tuyên bố ngày 20/8, Tổng thống Pháp E.Macron đã đề xuất EU làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Belarus, đồng thời cho rằng đối thoại là điều hết sức cần thiết. Cũng trên quan điểm này, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 28/8 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại với Nga về cuộc khủng hoảng tại Belarus, khẳng định rằng Moscow là nhân tố quan trọng mang tính chiến lược trên thế giới.
Về phần mình, với tư cách là đồng minh quan trọng nhất của Belarus, nước Nga đương nhiên phản đối mọi sự can thiệp và áp đặt trừng phạt từ bên ngoài đối với Belarus. Ngày 19/8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc các thế lực nước ngoài lợi dụng cuộc khủng hoảng hiện nay để can thiệp vào tình hình nội bộ của Belarus, nhấn mạnh rằng không cần bất cứ sự trung gian bên ngoài nào để giải quyết tình hình bất ổn ở quốc gia Đông Âu này. Trước đó, trong các cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về tình hình Belarus, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định rằng những can thiệp vào công việc nội bộ của Belarus từ bên ngoài chỉ làm leo thang căng thẳng và không thể chấp nhận được.