Châu Âu trước nguy cơ khủng bố cực đoan

(VOV5)- Loạt vụ tấn công xảy ra tại Brussels (Bỉ), nơi được coi là trái tim châu Âu, đã bộc lộ hiểm họa của một thế hệ "thánh chiến" châu Âu mới được tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) reo rắc tư tưởng cực đoan. Chưa bao giờ, Châu Âu lại đối mặt với những thách thức an ninh nghiêm trọng như hiện nay.

34 người đã thiệt mạng và 230 người bị thương trong hàng loạt vụ nổ tại sân bay và ga tàu điện ngầm ở thủ đô của nước Bỉ vào sáng ngày 22/3 đã làm cả thế giới bàng hoàng. Thảm họa khủng bố xảy ra chỉ vài ngày sau khi cảnh sát Bỉ bắt giữ nghi can đầu sỏ Salah Abdeslam thực hiện vụ khủng bố ở Paris hôm 13/11/2015. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố Brussels và cảnh báo "những ngày đen tối" sẽ tới nếu phương Tây trả đũa.

Châu Âu trước nguy cơ khủng bố cực đoan - ảnh 1
Cảnh tan hoang tại sảnh đi sân bay Zaventem, Brussels (Bỉ) sau khi hai vụ nổ xảy ra gần quầy check in của hãng American Airlines (Ảnh: DailyMail)


Tại sao Bỉ là mục tiêu?

Bỉ, trái tim của Liên minh châu Âu (EU) không vô cớ trở thành mục tiêu của khủng bố. Brussels được coi là mục tiêu nhạy cảm nhất Âu châu. Nơi đây đặt trụ sở chính của EU, là trụ sở của Tổ chức hợp tác quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), các tổ chức và các công ty quốc tế và cũng là nơi đặt đầu não chính trị của chính phủ Bỉ. Cũng từ Brussels, NATO đã điều các máy bay chiến đấu tham gia các chiến dịch chống lại IS ở Trung Đông.

Kể từ sau vụ khủng bố 13/11/2015 tại Paris, cảnh sát Bỉ đã phối hợp chặt chẽ với cảnh sát Pháp và cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) tiến hành hàng trăm vụ truy lùng gắt gao tại Brussells mà kết quả là bắt được tên khủng bố khét tiếng Salah Abdeslam. Một chiến công từng khiến cho các cơ quan chống khủng bố Pháp và Bỉ cảm thấy nhẹ nhõm như đã tháo được một nút thắt cho các cuộc điều tra về loạt vụ khủng bố tại Paris. Thế nhưng, vụ tấn công khủng bố hôm 22/3 ở Brussels khiến giới chức chống khủng bố của Bỉ nói riêng và châu Âu nói chung không khỏi bàng hoàng. Rõ ràng, những kẻ khủng bố đã khéo léo giấu mình "trong bóng tối" trước các vụ bố ráp liên tục của cảnh sát Bỉ và việc chúng tiến hành khủng bố ngay tại các địa điểm được canh phòng cẩn mật là sân bay quốc tế và ga tàu điện ngầm gần trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) là một lời thách thức đối với các nhà chức trách Bỉ cũng như các nhà lãnh đạo châu Âu.


Việc Salah Abdeslam, nghi phạm bị truy lùng gắt gao nhất tại châu Âu, có thể lẩn trốn trong thời gian 4 tháng tại quận Molenbeek ở thủ đô Brussels của Bỉ chứng tỏ rằng những kẻ cực đoan có mạng lưới khá vững chắc để có thể “cưu mang” những tên tội phạm và chúng đã lập hang ổ khủng bố ngay trong lòng châu Âu.


Nguy cơ khủng bố cực đoan

Loạt vụ tấn công ở Brussels thêm một lần nữa cho thấy nguy cơ bị tấn công khủng bố trên toàn châu Âu là rất cao. Theo số liệu mới nhất do Trung tâm phân tích khủng bố của Pháp công bố mới đây, có tới trên 2.000 công dân Pháp, 1.600 công dân Anh, 800 công dân Đức và hơn 530 công dân Bỉ đã bị lôi kéo rời khỏi châu Âu để tham gia các phong trào thánh chiến cực đoan. Khủng bố đang tuyển mộ và huấn luyện các công dân châu Âu với mục tiêu điều động các phần tử này trở về quê hương và tiến hành tấn công. Chúng có đủ các giấy tờ tùy thân cần thiết, thành thạo ngôn ngữ và địa hình, đặc biệt có kĩ năng sử dụng vũ khí. Các cơ quan chống khủng bố châu Âu đã ngăn chặn được nhiều âm mưu trong số đó, nhưng hiện lực lượng này đang bị quá tải và chắc chắn nhiều phần tử khủng bố đã lẩn trốn thành công. Bên cạnh đó, Châu Âu cũng đang đối mặt với tình trạng báo động từ tầng lớp thanh niên Hồi giáo, tầng lớp được cho là "nguồn nhân lực dồi dào" của khủng bố thánh chiến. Các thanh niên Hồi giáo ở châu Âu luôn tự cho rằng họ là nạn nhân của những định kiến và tình trạng phân biệt đối xử ở nơi làm việc và trong xã hội. Theo kết quả điều tra mới nhất về sắc tộc thiểu số và sự phân biệt đối xử của Liên minh châu Âu, 1/3 số thanh niên Hồi giáo tham gia trả lời khẳng định từng phải chịu nạn phân biệt đối xử. Những người có phản ứng mạnh mẽ nhất với tình trạng này có độ tuổi từ 16-24. Những thanh niên này có khả năng thất nghiệp lớn hơn nhiều và nhận được tiền công thấp hơn cho cùng một công việc so với những người châu Âu gốc. Hệ quả là họ phải chịu cảnh đói nghèo một cách không tương xứng.


Thêm vào đó, hàng ngày, hàng giờ, dòng người nhập cư từ Trung Đông – châu Phi vẫn tiếp tục tràn vào châu Âu và không cơ quan chức năng nào có thể kiểm soát được đâu là người nhập cư chạy trốn chiến tranh và đói nghèo thực sự, đâu là những kẻ khủng bố, thành viên của IS. Cho đến nay, dù đã trải qua rất nhiều cuộc họp cấp cao trong nội bộ EU và giữa EU với các đối tác khác như Thổ Nhĩ Kỳ,…nhưng EU vẫn chưa tìm ra được giải pháp để ngăn chặn dòng người nhập cư vào châu lục này. Chính sách của các nước về vấn đề này cũng rất khác nhau và chính những chia rẽ, rạn nứt trong nội bộ EU đang là kẽ hở để khủng bố khai thác và đẩy mạnh hoạt động.

Phản hồi

Các tin/bài khác