(VOV5)- Hôm nay (12/11), Hội nghị Thượng đỉnh EU-Châu Phi diễn ra ở La Valleta (Malta), nhằm thúc đẩy việc triển khai các biện pháp đối phó với làn sóng người nhập cư vào châu Âu. Mặc dù đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng trên thực tế, cho đến nay, EU vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cần thiết để triển khai bất cứ giải pháp nào trên thực tế.
|
EU đang tìm cách giải quyết tình trạng nhập cư bất hợp pháp. (Ảnh: 247.libero.it) |
Hội nghị thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh 28 quốc gia thành viên EU cùng các quốc gia đối tác không thể thực hiện cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho người di cư về tài chính và nơi tạm trú, trong khi kế hoạch tái phân bổ người tị nạn tiếp tục vấp phải sự bất đồng giữa các nước thành viên. Cho tới nay, các nước EU mới chỉ đóng góp khoảng 500 triệu euro trong tổng số 2,8 tỷ euro cam kết cho các tổ chức quốc tế và các quỹ hỗ trợ người tị nạn.
Trong khi đó, dòng người tị nạn đổ về Châu Âu vẫn không ngừng tăng. Theo số liệu của Cơ quan kiểm soát biên giới EU, từ đầu năm 2015 tới nay, số người di cư đến châu Âu đã lên tới trên 900.000 người, cao gấp 5 lần so với năm 2014.
Bất đồng trong EU về chính sách với người tị nạn
Hồi tháng 9 vừa qua, 28 quốc gia EU đã đạt thỏa thuận về việc phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn. Tuy nhiên, mọi cam kết vẫn mới chỉ nằm trên giấy. Vướng mắc lớn nhất là chưa có cơ chế để thực thi cũng như kiểm soát dòng người tị nạn vào châu Âu.
Đã có rất nhiều cuộc họp được triệu tập nhưng các nước EU vẫn đang chia rẽ về một giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng di cư. Trong khi những quốc gia là điểm quá cảnh thì sẵn sàng mở cửa để tiếp nhận người di cư vào nhưng người tị nạn vào châu Âu lại ồ ạt hướng tới các nước giàu có và có chế độ phúc lợi, trợ cấp tốt. Điển hình, Đức và một số nước Trung Âu, Bắc Âu là những điểm đến thu hút người tị nạn. Trong những tuần qua, hàng nghìn người tị nạn tìm mọi cách đi qua khu vực Balkan, qua những con sông và cánh đồng ở các nước Đông Nam Âu để tiến về phía Bắc. Riêng trong tháng 9 vừa qua đã có 250.000 người tới châu Âu qua ngả Balkan và khi Hungary quá tải, rồi đóng cửa biên giới với Serbia để chặn dòng người di cư, những người này lại tìm cách vượt Serbia vào Croatia, qua Slovenia để vào Áo, Đức hoặc các nước Bắc Âu. Bất cập này khiến EU phải triệu tập 1 cuộc họp khẩn gần đây nhằm mục tiêu siết chặt quản lý tuyến lộ trình Balkan, nhằm ngăn chặn dòng người đổ về phía Bắc. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn bất đồng sâu sắc. Slovenia, quốc gia nhỏ bé vùng Alpes cho rằng nước này cần phải được hỗ trợ nhiều hơn do quá tải sau khi Hungary đóng cửa biên giới với Serbia và Croatia. Hungary thì kiên quyết bảo vệ cho chính sách lập hàng rào chặn người nhập cư ở biên giới, cho rằng nước này không nằm trên tuyến lộ trình Balkan mà chỉ là quan sát viên. Theo Hungary, lỗi khủng hoảng là do chính các nước Schengen đã không giữ các cam kết của mình. Đó là, người tị nạn đặt chân tới nước EU nào đầu tiên phải nộp đơn xin tị nạn ở nước đó, song các nước cửa ngõ tiếp nhận người tị nạn lại không thực hiện được điều này, do vậy không thể kiểm soát được người nhập cư. Bởi vậy, làn sóng người tị nạn tiếp tục tìm cách thực hiện hành trình tới các nước phía Bắc.
Chưa thống nhất hành động
Rõ ràng cho đến nay, cuộc khủng hoảng người nhập cư ở Châu Âu vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để triển khai thực hiện. Dù cảm thông, dù sẵn sàng dang tay đón nhận nhưng có thể thấy điều kiện kinh tế, trình độ văn hóa và những khác biệt về tôn giáo là những bài toán hóc búa khiến các nước châu Âu bất đồng sâu sắc trong khủng hoảng di cư.
Phần lớn những quốc gia phản đối tiếp nhận người nhập cư là những nước đang gặp khó khăn về kinh tế và xã hội, xung đột về văn hóa và tôn giáo. Phần lớn những người tị nạn là người Hồi giáo đến từ Syria và châu Phi, trong khi người dân và chính phủ các nước châu Âu vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận một cộng đồng Hồi giáo lớn như vậy ngay trong lòng xã hội của mình. Chưa kể những rắc rối mà người di cư gây ra ngay trong chính trong lòng xã hội tiếp nhận họ. Điển hình cho ví dụ này là Đức, quốc gia đón lượng người di cư lớn nhất tới châu Âu. Từ đầu năm đến nay, nước này đã tiếp nhận hơn nửa triệu người di cư. Nhưng nay người dân nước này đang dần cảm thấy hối tiếc về quyết định đón người di cư sau khi xảy ra những vụ va chạm, xung đột do người di cư gây ra. Tâm lý lo ngại của người Đức đối với người di cư có lẽ được thể hiện rõ nét nhất qua tỷ lệ ủng hộ suy giảm đối với Thủ tướng Angela Merkel, chỉ chiếm 49% ủng hộ trong một cuộc thăm dò gần đây, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015.
Trong bối cảnh đó, người ta cũng không kỳ vọng nhiều về một giải pháp khả thi nào tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Châu Phi lần này. Rất nhiều nước lo ngại vào tương lai của khối khi tiếp nhận những người tị nạn. Bên cạnh những yếu tố tích cực về nguồn nhân lực thì những hệ lụy xung quanh vấn đề người nhập cư vẫn là bài toán chưa có lời giải của các quốc gia EU.