(VOV5) - Trong cuộc chiến đấu vì chính nghĩa này, biết bao người con Việt Nam đã hy sinh hoặc để lại một phần máu thịt của mình trên các chiến trường. Những sự hy sinh đó luôn được các thế hệ người Việt Nam và Campuchia ghi nhớ và trân trọng.
Hôm nay, ngày 07/01, tròn 40 năm Ngày quân và dân Việt Nam giành chiến thắng chiến tranh, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (07/01/1979 - 07/01/2019) - một mốc son chói lọi trong lịch sử mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống, liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia. Đây là chiến thắng khẳng định quyền tự vệ chính đáng của quân và dân Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc; đồng thời góp phần giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng, bước vào kỷ nguyên hòa bình, hòa hợp dân tộc và phát triển.
Ảnh tư liệu: Trưa 7/1/1979, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh. - Ảnh: TTXVN |
Cách đây 40 năm, thực hiện quyền tự vệ chính đáng của dân tộc, quân và dân Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã đứng lên chiến đấu, bảo vệ toàn vẹn độc lập, chủ quyền biên giới quốc gia; và cùng các lực lượng tiến bộ của Campuchia đập tan chế độ diệt chủng, đưa đất nước Campuchia sang trang sử mới.
Bảo vệ Tổ quốc và trách nhiệm quốc tế
Tháng 04/1975, sau khi Campuchia độc lập, bè lũ Pol Pot - Ieng Sary đã biến Campuchia từ một “ốc đảo hòa bình” thành một trại khổ sai khổng lồ đầy những hố chôn người với những chính sách diệt chủng đối với chính dân tộc mình. Chưa dừng ở đó, Pol Pot - Ieng Sary còn tiến hành các hoạt động xâm lược, tàn sát người dân Việt Nam suốt dọc các tỉnh biên giới phía Tây Nam.
Trước hành động gây hấn và mở rộng chiến tranh của kẻ địch, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã kiềm chế và kiên trì thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị. Nhưng càng kiềm chế thì tập đoàn Pol Pot – Ieng Sary càng lấn tới, buộc quân và dân Việt Nam phải tự vệ chính đáng. Đáp lại lời kêu gọi của nhân dân Campuchia và lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Việt Nam đã giúp các lực lượng yêu nước Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng của tập đoàn Pol Pot – Ieng Sary. Hành động của Việt Nam xuất phát từ nhu cầu tự vệ chính đáng, trách nhiệm quốc tế cũng như lương tâm của một dân tộc từng chịu nhiều áp bức và ngoại xâm.
Trong cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn, gian khổ và ác liệt đó luôn sáng ngời tình đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc. Trung tướng Triệu Xuân Hòa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Quân khu 7, cho biết: “Khi đó người dân Việt Nam đói, nhưng chúng ta vẫn tập trung bạn lại, cung cấp lán trại, lương thực, thực phẩm, tạo điều kiện cho đồng bào Campuchia sinh sống. Rồi cùng với các đồng chí cách mạng chinh chiến Campuchia vận động, tuyển chọn lực lượng, huấn luyện, xây dựng lực lượng cách mạng Campuchia. Từ đó, chúng tôi sống, công tác với các đồng chí cán bộ Campuchia cho nên tôi cảm nhận được nghĩa tình của đồng bào, đồng chí Campuchia đối với chúng ta như anh em ruột thịt kể từ đó đến bây giờ”.
Mốc son lịch sử trong quan hệ Việt Nam - Campuchia
Ngày 31/12/1978, toàn bộ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam bị kẻ thù lấn chiếm đã được thu hồi. Sau đó, theo đề nghị của cách mạng Campuchia, Việt Nam đã đưa quân tình nguyện sang giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia. Đến ngày 07/01/1979, thủ đô Phomnpenh được giải phóng, đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại, từ đó nhân dân Campuchia hoàn toàn thoát khỏi chế độ diệt chủng.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng, tổ chức tại Hà Nội ngày 04/01 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Đối với Việt Nam, thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc một lần nữa khẳng định ý chí và sức mạnh quật cường của nhân dân Việt Nam; đồng thời thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, mối quan hệ láng giềng anh em truyền thống, gắn bó, thủy chung, lâu đời, sự giúp đỡ trong sáng, chí tình, chí nghĩa của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam với nhân dân Campuchia”.
Trong cuộc chiến đấu vì chính nghĩa này, biết bao người con Việt Nam đã hy sinh hoặc để lại một phần máu thịt của mình trên các chiến trường. Những sự hy sinh đó luôn được các thế hệ người Việt Nam và Campuchia ghi nhớ và trân trọng. Nói về sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, vô tư trong sáng của quân và dân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Xomrin cho rằng: “Sự giúp đỡ bằng xương máu của quân tình nguyện Việt Nam là sự giúp đỡ nhân đạo và đúng đắn nhất…”. Còn Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng khẳng định: “Quân dân Campuchia nếu không có Việt Nam thì không thể giải phóng nhanh đến thế…”Ông Tep Ngorn, Phó Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia, Đoàn Chủ tịch danh dự Hội đồng quốc gia Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia, nhấn mạnh: “Thay mặt Quốc hội, Thượng viện, Chính phủ, Mặt trận và nhân dân Campuchia, một lần nữa tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất, đồng thời luôn ghi nhớ công ơn to lớn của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, quân đội và nhân dân Việt Nam anh em đã có những hy sinh to lớn để giải phóng và cứu tổ quốc, nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng tàn bạo, góp phần vào tiến trình tìm kiếm hòa bình cho đất nước Campuchia chúng tôi. Thực tế, sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn kịp thời và hiệu quả của Việt Nam đã góp phần đưa đất nước Campuchia phát triển từ một quốc gia đắm chìm trong chiến tranh, khổ đau, điêu tàn trở thành một quốc gia có hòa bình trọn vẹn, phát triển trên mọi lĩnh vực và thống nhất đất nước”.
Chiến thắng ngày 7/1/1979 là kết quả của tinh thần quốc tế trong sáng của Đảng và Nhà nước Việt Nam, của liên minh đoàn kết chiến đấu xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước chân chính. Chiến thắng đó sẽ mãi trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc Việt Nam- Campuchia.