(VOV5) - Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử Việt Nam mà còn góp phần thay đổi cục diện thế giới.
Cách đây 69 năm (7/5/1954 - 7/5/2023), quân và dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Chiến thắng đã dẫn đến việc ký Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, tạo tiền đề quan trọng để nhân dân Việt Nam thống nhất đất nước vào năm 1975. 69 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân dân 2 nước Việt Nam và Pháp đang cùng nhau xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Chiều ngày 7/5/1954, bộ đội Việt Nam chính thức giành chiến thắng, vẫy cờ trên nóc hầm Tướng De Castries. Ảnh tư liệu: TTXVN |
Điện Biên Phủ là trận đánh lớn nhất trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, châu Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân đội Liên hiệp Pháp.
Trận Điện Biên Phủ: cột mốc của giải phóng dân tộc
Đánh giá về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói đó "là một mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử"; là bản anh hùng ca bất tử của cuộc chiến tranh nhân dân. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định Việt Nam đã làm được việc tưởng như là huyền thoại nhưng lại thành sự thật.
Với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, đã được ký kết. Một nửa nước Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, mở ra thời kỳ cách mạng mới, xây dựng miền Bắc trong hòa bình, quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương lớn, vững chắc cho sự nghiệp thống nhất đất nước.
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử Việt Nam mà còn góp phần thay đổi cục diện thế giới, mở đường cho phong trào giành độc lập dân tộc của các nước thuộc địa và phụ thuộc. Ông Jean Pouget, tùy viên của tướng Henri Navarre (Pháp) cho rằng không cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nào ở Châu Á, Châu Phi hay Châu Mỹ mà không đề cập đến chiến thắng Điện Biên Phủ. Theo Tiến sĩ Christian C.Lentz (Đại học North Carolina Chapel Hill, Hoa Kỳ), trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới. Từ năm 1954 đến năm 1964 đã có 17/22 nước thuộc địa của Pháp giành độc lập. Riêng ở Châu Phi, năm 1960 đã có tới 17 quốc gia tuyên bố độc lập và lịch sử đã gọi sự kiện này là “Năm Châu Phi”.
Trang sử mới trong quan hệ Việt Nam - Pháp
19 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, vào ngày 12 tháng 4 năm 1973, Pháp đã trở thành một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, Pháp đi đầu trong việc giúp Việt Nam giải quyết nợ với các nước chủ nợ là thành viên Câu lạc bộ Paris (nhóm 22 quốc gia có nền kinh tế lớn, giàu có, chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính, như cho vay để tái thiết đất nước, nợ ân hạn hoặc hoãn nợ, xoá nợ cho các nước khó trả). Năm 1993, ông Francois Mitterrand là Tổng thống Pháp đầu tiên đến Việt Nam, đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong quan hệ với Việt Nam, nhất là trong các chiến lược, chính sách mà Pháp triển khai tại Đông Nam Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông đến Hà Nội và tuyên bố: “Tôi ở đây để đóng lại một trang sử và cũng để mở ra một trang khác”.
Năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Đến nay, trải qua 5 thập kỷ, mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu, hiệu quả. Đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại, với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đi vào thực thi, thương mại song phương giữa hai nước liên tục tăng trưởng, đạt gần 7,45 tỷ USD vào năm 2021 và lên tới 8,5 tỷ USD vào năm ngoái. Hiện nay, Pháp là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu.
Ông Benoit Guidée, Vụ trưởng Vụ Á-Úc, Bộ Ngoại giao Pháp, phát biểu trong Lễ tiếp tân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp tại Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp, 20/4/2023. Ảnh: VOV |
Về hợp tác phát triển, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng viện trợ không hoàn lại (ODA) của Pháp tại châu Á, với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD (tính từ năm 1993). Ông Benoit Guidée, Vụ trưởng Vụ Á-Úc, Bộ Ngoại giao Pháp đánh giá: “Điều làm nên sức mạnh đặc biệt cho quan hệ Việt-Pháp, vượt trên cả các đối thoại chính trị chất lượng, đó là mức độ đậm đặc trong mối quan hệ về mặt con người. Hơn tất cả các nước khác ở châu Á, mối quan hệ của Pháp với Việt Nam về mặt hiệp hội, về văn hoá, về thanh niên, về sinh viên hay các nhà nghiên cứu trong tất cả các lĩnh vực đều đặc biệt lớn mạnh. Ngay cả ở cấp độ các hội hữu nghị hay các chính quyền địa phương, luôn luôn có những nền tảng rất lớn mạnh cho quan hệ giữa nhân dân hai nước chúng ta. Đó chính là điều làm nên sức mạnh đặc biệt cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp”.
Hiện nay, Pháp tích cực triển khai một chính sách năng động và toàn diện hướng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam có vai trò nòng cốt.
Về phía Việt Nam, Việt Nam luôn coi Pháp là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại và không ngừng làm sâu sắc mối quan hệ song phương. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho rằng: “Quan hệ Việt Nam - Pháp bước vào thời kỳ hợp tác mới sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với hành trang hết sức thuận lợi. Chúng ta có sự gắn kết và sự ủng hộ rất lớn của nhân dân 2 nước. Chúng ta cũng có sự chia sẻ giữa lãnh đạo 2 nước về tầm nhìn của quan hệ song phương trong thời gian tới với những trụ cột quan trọng, ưu tiên và đáp ứng được nhu cầu hiện nay”.
69 năm đã trôi qua kể từ ngày lá cờ của Quân đội Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Ngày nay, hai dân tộc Việt Nam và Pháp đang cùng nhau phát triển, hướng đến những dấu mốc mới trong quan hệ song phương.