(VOV5) - Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch năm 2017 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc Quốc hội sáng 20/10, nhấn mạnh tuy gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua song Việt Nam vẫn đạt kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.
Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Trên những kết quả đạt được trong năm 2016, năm 2017, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức để đạt kết quả ấn tượng hơn trong phát triển kinh tế.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Năm 2016, bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình Biển Đông phức tạp. Biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo. Thiên tai xảy ra ở phía Bắc, ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long cũng như sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên với sự nỗ lực của cả hệ thống, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn đạt kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.
Năm 2016: kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn cơ bản được đảm bảo
Để đạt được kết quả này, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm ước tăng khoảng 4%. Nợ xấu tiếp tục được xử lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. Tín dụng đối với nền kinh tế đến nay tăng 11,24%. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ, thị trường vàng ổn định; dự trữ ngoại hối đạt trên 40 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước cả năm tăng 2,4%.
Năm 2016, Chính phủ đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong 9 tháng, có trên 81 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trên 20 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, đã tạo được niềm tin và không khí phấn khởi của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tái cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết dự báo tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%). Xuất khẩu cả năm dự báo xấp xỉ đạt kế hoạch. Đánh giá chung về tình hình kinh tế năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển; tái cơ cấu nền kinh tế đạt một số kết quả; đầu tư khu vực tư nhân chuyển biến mạnh mẽ; niềm tin của xã hội và thị trường tăng lên. Các trung tâm kinh tế lớn tiếp tục phát huy vai trò đầu tầu tăng trưởng, làm động lực phát triển của các vùng và cả nước; nhiều địa phương khó khăn đã nỗ lực vươn lên.
Năm 2017: bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu GDP tăng khoảng 6,7%
Thực hiện mục tiêu trên, nhiệm vụ đầu tiên được Chính phủ chú trọng là ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo đó, Chính phủ sẽ điều hành hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra: Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; nâng cao chất lượng và bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao...).
Việt Nam cũng sẽ thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, siết chặt kỷ luật tài chính –ngân sách Nhà nước; triệt để tiết kiệm chi. Việc đẩy mạnh huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực vàng và ngoại tệ trong xã hội, cũng được chú trọng. Thu hút mạnh đầu tư ngoài nhà nước, kể cả khu vực FDI tham gia phát triển kết cấu hạ tầng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, thực hiện hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia. Hỗ trợ doanh nghiệp chủ động hội nhập, tham gia hiệu quả Cộng đồng ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Phát triển hệ thống bán lẻ, gắn sản xuất với tiêu thụ hàng nội địa.
Chính phủ Việt Nam cũng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, trong đó tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Việc tái cơ cấu kinh tế sẽ được tiến hành một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Triển khai Kế hoạch tổng thể tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 - 2020.
Năm 2017, dự báo tình hình trong nước và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên Chính phủ Việt Nam sẽ quyết liệt hành động, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.