(VOV5) - Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống sẽ tác động ra sao đến sự hợp tác và phát triển về chính trị, an ninh và kinh tế giữa Mỹ và khu vực này
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã bước vào giai đoạn đếm ngược. Cuộc đua để trở thành ông chủ Nhà Trắng giữa Trump và Biden đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Là cường quốc kinh tế và quân sự số một thế giới, việc Chính phủ Mỹ thay đổi nhà lãnh đạo chắc chắn sẽ dẫn dắt diễn biến của nhiều sự kiện lớn trên thế giới, trong đó có khu vực châu Á, kết quả bầu cử cũng sẽ có hiệu ứng dây chuyền đối với khu vực này.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn khoảng vài ngày nữa diễn ra. Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống sẽ tác động ra sao đến sự hợp tác và phát triển về chính trị, an ninh và kinh tế giữa Mỹ và khu vực này trong tương lai là điều mà các nhà phân tích, học giả khu vực và quốc tế quan tâm.
Chiến lược xoay trục của Mỹ
Nói đến sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Đông Nam Á trong 10 năm qua, phải bắt đầu từ thời cựu Tổng thống Mỹ B.Obama. Dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ đã thúc đẩy chiến lược từ “xoay trục” sang châu Á sang “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương”, từng bước hiện thực hóa chính sách đối ngoại “can dự toàn diện” đối với Đông Nam Á và tái thiết quan hệ với các nước trong khu vực. Một thành tựu quan trọng trong chính sách châu Á của Chính quyền Obama là thiết lập khuôn khổ hợp tác liên tục với các nước Đông Nam Á, tăng cường hợp tác chính trị và quân sự với các đồng minh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đưa ra Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, tất cả những điều này đã thay đổi sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền. Sau khi nhậm chức vào năm 2017, ông D.Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP mà Chính quyền Obama đã dành rất nhiều tâm huyết mới đạt được. Tháng 11 cùng năm, ông Trump đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để thay thế chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của ông Obama.
Về bản chất, chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương do ông D. Trump và ông B.Obama khởi xướng đều dựa trên những cân nhắc chiến lược địa chính trị của các nước ở châu Á và Đông Nam Á, nhưng trên thực tế, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ông D.Trump thiên về cạnh tranh chiến lược toàn diện để kiềm chế Trung Quốc, thay vì triển khai hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các nước châu Á.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden tại vòng tranh luận trực tiếp cuối cùng ở thành phố Nashville, bang Tennesse. -Ảnh: AFP/TTXVN
|
Nhiều học giả cho rằng nếu Trump tái cử, ông sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao coi Trung Quốc là đối tượng kiềm chế trong nhiệm kỳ hai của mình, và các nước Đông Nam Á vẫn phải áp dụng chiến lược cân bằng trong cuộc đọ sức giữa hai cường quốc này.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng nếu ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden đắc cử, một trong những ưu tiên của ông sẽ là thực hiện lại “chủ nghĩa đa phương” và “chủ nghĩa khu vực” mà Chính quyền Trump đã từ bỏ, nỗ lực đưa nước Mỹ trở lại chương trình nghị sự về thương mại tự do. Đây là những vấn đề được các nước Đông Nam Á hết sức quan tâm. Dù trên thực tế, đối với cạnh tranh giữa các nước lớn, hầu hết các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đều nhiều lần tuyên bố rằng họ không có ý định “chọn bên nào” giữa Trung Quốc và Mỹ.
Hoa Kỳ muốn khẳng định vị thế ở Đông Nam Á?
Liệu ông Joe Biden sẽ trở thành một Barack Obama thứ 2 hay sẽ tiếp nối di sản của Tổng thống Donald Trump nếu ông thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020? Đây là những câu hỏi mà các nhà hoạch định chính sách ở cả hai bờ Thái Bình Dương đang đặt ra trước thềm cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 3/11 tới tại Mỹ. Nếu ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới đây, ông sẽ phải đối phó với những cơn dư chấn bởi chính sách của Tổng thống Donald Trump đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 4 năm qua. Ông Trump không thể tiếp tục duy trì hiện trạng của nhiệm kỳ 4 năm qua và ông Biden cũng không thể chỉ lặp lại thời kỳ 8 năm của mình dưới thời Barack Obama. Nước Mỹ cần xây dựng chính sách đối ngoại mới phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Về cơ bản dù ai đắc cử, điều quan trọng là chính quyền Mỹ phải thay đổi chính sách đối ngoại theo hướng có lợi hơn cho quốc gia. Và chắc chắn Đông Nam Á, với vị trí địa chiến lược quan trọng ở Châu Á và khả năng gắn kết và thích ứng tốt, sẽ là đối tượng mà chính quyền mới Mỹ phải cân nhắc, là khu vực hỗ trợ Mỹ trong việc tiếp tục giữ vai trò toàn cầu của mình.