(VOV5) - Việt Nam đang thể hiện nỗ lực rất lớn trong việc thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế vĩ mô và vi mô.
Ngay từ đầu năm 2022, một loạt chính sách mới được Chính phủ triển khai để tháo gỡ các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa.
Những chính sách có hiệu lực ngay từ đầu năm
Sau chuyến công tác đầu năm để kiểm tra, đốc thúc, tìm hiểu tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án cao tốc Bắc-Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 01 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, địa phương liên quan đẩy nhanh hơn nữa tiến độ chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025; tập trung đôn đốc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công xây dựng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022. Ảnh: VOV |
Việc Thủ tướng lựa chọn các công trình trọng điểm ngành giao thông cho chuyến công tác đầu năm bởi trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn xác định phát triển hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó hạ tầng giao thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Hơn nữa, khi đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tổng số vốn đầu tư công cần hấp thụ trong năm 2022-2023 rất lớn, nếu không đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cách làm, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra thì không thể hoàn thành nhiệm vụ. hát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu:
"Các bộ, các ngành, các địa phương đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công, vừa phải đúng tiến độ nhưng phải nâng cao chất lượng, đặc biệt là đảm bảo tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng và tiết kiệm; cần rà soát lại 3 Chương trình mục tiêu triển khai ngay từ đầu năm 2022. Đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện Nghị định về chính sách tín dụng ưu đãi."
Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, từ đầu tháng 2/2022, việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) bắt đầu có hiệu lực. Mức thuế từ 10% được giảm xuống còn 8% đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Việc thuế VAT giảm về 8%, giúp không phải tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ. Khả năng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ từ đó cũng sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ và cải thiện. Với người tiêu dùng, vốn là nhóm đang bị ảnh hưởng lớn khi thu nhập, việc làm bị giảm do dịch bệnh, việc giảm thuế VAT sẽ giúp nhóm này trực tiếp tiết kiệm được 2% chi tiêu bình quân.
Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: quochoi.vn |
Đảm bảo điều hành linh hoạt chính sách tài chính, tiền tệ
Chính sách tài khóa, tiền tệ đóng vai trò quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế. Năm 2022, Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết mục tiêu cao nhất là tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội đảm bảo được các chỉ tiêu về kinh tế xã hội và tài chính. Đặc biệt, phải giữ được cái các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là đảm bảo được kinh tế vĩ mô, điều hành để đảm bảo được bội chi ngân sách trong hạn mức cho phép, và giữ vững nợ công và nợ Chính phủ, kìm giữ được thì lạm phát và thúc đẩy cho quá trình tăng trưởng và phát triển.
Bộ Tài chính cũng đã tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội ban hành gói kích cầu, trong đó có 64 nghìn tỷ là miễn, giãn, giảm các loại thuế phí.
"Chúng tôi có rất nhiều giải pháp để thực hiện kiềm chế lạm phát. Hiện nay lạm phát của tiêu dùng ở mức rất thấp, là 1,84%. Trước áp lực của vấn đề tăng giá trong sản xuất kinh doanh hoặc là giá xăng dầu, giá thép và một số loại giá khác, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ có giải pháp, từ các giải pháp về thuế, giải pháp về chống buôn lậu, giải pháp về kiểm tra, xử phạt nghiêm minh đối với những vấn đề vi phạm, kể cả trên thị trường chứng khoán, kể cả trong thị trường bất động sản và các thị trường khác, để các quan hệ kinh tế minh bạch, lành mạnh và cạnh tranh nghiêm túc nhất, đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi tin tưởng là trong năm 2022 sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ kinh tế xã hội."
Nỗ lực điều hành, triển khai nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành ngay đầu năm 2022 một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế, đảm bảo sự phát triển bền vững.