Chống khai thác IUU – Nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết

(VOV5) - Việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là động lực để đổi mới nghề cá của Việt Nam theo hướng tốt hơn, có trách nhiệm hơn. 

Hôm nay (05/06) là Ngày Quốc tế chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Chống khai thác IUU) có hiệu quả. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu (EC).

Chống khai thác IUU – Nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết - ảnh 1Ngư dân Thanh Hóa chuẩn bị cho tàu ra khơi khai thác hải sản. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.

Việt Nam xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thuỷ sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Tiếp tục nỗ lực gỡ IUU

Chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam là kiên trì, kiên định trong việc chống khai thác hải sản IUU, bảo vệ đại dương, nguồn lợi hải sản, phát triển bền vững; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ; tôn trọng luật pháp quốc tế.

Tại Cuộc họp triển khai thực hiện Kế hoạch chống đánh bắt IUU mới đây, đại diện Cục Thủy sản cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp Bộ Công an triển khai rà soát dữ liệu về tàu cá theo thông tin chủ tàu dựa trên ứng dụng VNeID. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05/04/2024 về vấn đề này, trong đó chỉ rõ việc tích hợp sẽ hoàn thành trước 01/07/2024. Trong khi đó, Cục Kiểm ngư đã lập Tờ trình gửi Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, xin ý kiến về việc tổ chức các đoàn công tác đến toàn bộ 28 tỉnh, thành phố ven biển. Dự kiến trong tháng này, đoàn kiểm tra liên ngành, bao gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an... sẽ thị sát tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng. Sang tháng 7 là Bến Tre, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Trà Vinh. Trong tháng 8 và có thể kéo sang tháng 9, đoàn sẽ kiểm tra tại các tỉnh còn lại ở khu vực phía Bắc.

Chống khai thác IUU – Nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết - ảnh 2Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Nguồn: haiquanonline.com.vn

Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo IUU, ngày 21/05, tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhấn mạnh: “Vai trò của lực lượng biên phòng, ban quản lý các cảng cá, các cơ quan quản lý hải sản địa phương rất quan trọng. Các địa phương kiểm soát và lập danh sách để đảm bảo tàu cá không khai thác tại vùng biển nước ngoài; đảm bảo công tác truy xuất nguồn gốc đánh bắt hải sản; tăng cường kiểm soát xác nhận tại cảng cũng như chứng nhận tại các Chi cục. Các doanh nghiệp phải đảm bảo 100% hải sản xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác là sản phẩm hợp pháp”.

Những hiệu quả ban đầu       

Là một quốc gia ven biển có số lượng tàu đánh bắt xa bờ lớn, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu cá trên toàn thế giới, chiếm khoảng 5% sản lượng thủy sản toàn cầu.

Với sự vào cuộc của Chính phủ, các Bộ ngành và các địa phương liên quan, công tác chống khai thác IUU của Việt Nam thời gian qua đã đạt những kết quả cụ thể, như: khung pháp lý của Việt Nam cơ bản đã đáp ứng yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU; số lượng tàu cá và cường lực khai thác từng bước giảm. Việt Nam cũng cơ bản hoàn thiện cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase; việc lắp đặt, theo dõi, giám sát tàu cá qua Hệ thống giám sát tàu cá đã có nhiều kết quả tích cực; công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác qua cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác cũng đã được cải thiện. 1 số tỉnh đã làm tốt như: Bình Định, Cà Mau, Kiên Giang …

Đáng chú ý, tại tỉnh Tiền Giang, từ năm ngoái đến nay, không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài do khai thác hải sản trái phép bị bắt giữ. Ông Nguyễn Văn Mẩn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, cho rằng: “Ý thức chấp hành pháp luật trong khai thác thủy sản của ngư dân ngày một nâng lên. Tất cả tàu tham gia khai thác xa bờ đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và duy trì khi hoạt động, công tác cập cảng, rời cảng chấp hành tốt, bảo đảm thủ tục đầy đủ khi đi khai thác. Việc ghi nhật ký khai thác đã trở thành quen thuộc đối với ngư dân. Đây là kết quả giúp cho tỉnh hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ chống khai thác IUU”.

Còn tại tỉnh Kiên Giang, đến nay, 100% tàu cá của tỉnh đã được đăng ký; toàn bộ tàu có chiều dài 15 mét trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS theo quy định. Tỉnh cũng đã giám sát được 61,3% sản lượng khai thủy sản bốc dỡ qua cảng và kiểm soát 100% sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng cá chỉ định. Tỉnh cũng kiên quyết xử lý triệt để các vụ việc vi phạm. Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Chúng tôi tập trung xử lý, điều tra dứt điểm các vụ việc; tuyên truyền cho bà con ngư dân thấy được rằng nếu thực hiện chưa đúng quy định pháp luật thì bị xử lý nghiêm. Chúng tôi cũng tập trung vào việc giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản đã mang về, đặc biệt qua các cảng chỉ định”.

Việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là động lực để đổi mới nghề cá của Việt Nam theo hướng tốt hơn, có trách nhiệm hơn. Đây cũng là điều kiện để EC có thể sớm gỡ thẻ vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam sau đợt thanh tra lần thứ 5, dự kiến diễn ra trong tháng 9, tháng 10 tới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác