(VOV5) - Tại mỗi nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đều mang những thông điệp quan trọng, thúc đẩy tình hữu nghị và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương.
Tối 2/12, giờ địa phương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam đã rời thủ đô Moscow, lên đường về nước, kết thúc thành công chuyến thăm chính thức Liên bang Nga (29/11 - 02/12) theo lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Trước khi thăm Nga,từ 25 - 29/11, Chủ tịch nước đã có chuyến thăm ý nghĩa tới Liên bang Thụy Sỹ theo lời mời của Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin. Tại mỗi nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đều mang những thông điệp quan trọng, thúc đẩy tình hữu nghị và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương giữa Việt Nam với Thụy Sỹ và Liên bang Nga.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là minh chứng sống động thể hiện sự coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó giữa Việt Nam với Thụy Sỹ và Liên bang Nga.
Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin chào bắt tay chào mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Thụy Sỹ. Ảnh: VOV |
Coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống
“Tình hữu nghị Việt Nam - Thụy Sỹ - tài sản vô giá” là một thông điệp xuyên suốt của chuyến thăm, được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh trong cuộc hội đàm với Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin. Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của Thụy Sỹ dành cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và xây dựng đất nước ngày nay”. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng cảm ơn Chính phủ Thụy Sĩ đã cung cấp nguồn ODA quý báu cho Việt Nam, góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc.
Trong lĩnh vực kinh tế, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Thụy Sỹ, hoạt động lâu dài tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Thụy Sỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm.
Phía Thụy Sỹ nhìn nhận Việt Nam là một đối tác kinh tế ưu tiên quan trọng của Thụy Sỹ ở Đông Nam Á. Thời gian tới, hai bên nhất trí sớm kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), mà Thụy Sỹ là nước dẫn đầu, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phát triển mạnh mẽ. Hai nước coi đây là nhiệm vụ ưu tiên cần tập trung thúc đẩy.
Điểm nhấn trong chuyến thăm của Chủ tịch nước tới Thụy Sỹ là Chương trình Diễn đàn doanh nghiệp cấp cao (Business Summit) dưới sự đồng chủ trì của Chủ tịch nước và Tổng thống Thụy Sỹ. Tại đây, các nhà lãnh đạo đã khơi dậy tinh thần và niềm tin trong các doanh nghiệp hai nước rằng hai nền kinh tế Việt Nam và Thụy Sỹ mang tính bổ trợ cho nhau. Dư địa để doanh nghiệp hai bên có thể khai thác là vô cùng to lớn.
Thành viên có trách nhiệm của các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương
Tại Geneva, trung tâm của các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, Chủ tịch nước đã gặp đại diện nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghegreyesus. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố Việt Nam sẽ đóng góp tự nguyện thêm 500.000 USD cho Chương trình COVAX, nâng tổng mức đóng góp tự nguyện của Việt Nam cho COVAX lên 1 triệu USD, nằm trong số không nhiều nước đang phát triển có đóng góp tự nguyện cho COVAX. Qua đó thể hiện mạnh mẽ tình đoàn kết quốc tế và trách nhiệm của Việt Nam.
Chủ tịch nước mong muốn các đối tác tích cực ủng hộ Việt Nam trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine m-RNA, là nơi sản xuất vaccine cho khu vực Tây Thái Bình Dương; đề nghị WHO hỗ trợ cho vaccine Nanocovax của Việt Nam được tham gia chương trình thử nghiệm lâm sàng toàn cầu của WHO.
Trong cuộc gặp với Tổng giám đốc Văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) Tatiana Valovaya, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam ủng hộ LHQ phát huy vai trò trung tâm trong quản trị toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam mong muốn phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với LHQ, nhất là năm 2022 sẽ tròn 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ.
Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VOV |
Hợp tác tin cậy, toàn diện
Chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc rất thành công khi đã đề cập toàn diện đến nhiều vấn đề quan trọng. Chuyến thăm không chỉ củng cố quan hệ hiện tại mà còn thể hiện sự ghi nhớ những người Nga đã có công lao đóng góp cho Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Phát biểu mở đầu cuộc hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định rằng: Liên bang Nga là “người bạn lớn và thân thiết của nhân dân Việt Nam”. Theo Chủ tịch nước, đây là cuộc hội đàm lịch sử, kéo dài gần 4h đồng. Kết quả hội đàm cho thấy hai nước đã vượt qua những khó khăn trở ngại để nâng tầm đối ngoại, xử lý vấn đề trong quan hệ song phương và đi liền với các vấn đề toàn cầu. Hai bên đã ra Tuyên bố chung cấp cao tầm nhìn đến 2030 của Việt Nam và Liên bang Nga với nội dung cụ thể, mang ý nghĩa chiến lược, lâu dài.
Trong chuyến thăm Liên bang Nga, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, cũng như tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư song phương nhằm tạo đột phá mạnh mẽ trên các lĩnh vực hợp tác quan trọng. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nga; gặp nhiều lãnh đạo tập đoàn kinh tế lớn của Nga về y tế, dầu khí, tài chính...; chứng kiến lễ ký kết đường bay thẳng Việt Nam - Moscow của Vietjet. Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nước Nga không chỉ là mối quan hệ quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, mà là đối tác hàng đầu trong đối ngoại của Việt Nam, là chìa khóa quan trọng trong quan hệ đối ngoại để bảo vệ hòa bình, ổn định đất nước.
Chuyến thăm châu Âu đầu tiên trên cương vị mới của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thành công rất tốt đẹp. Chuyến thăm đã góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đồng thời khơi dậy động lực hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong quan hệ giữa Việt Nam với Thụy Sỹ và Liên bang Nga.